Giáo trình

3.1. Các hình thức tiêu thụ nông sản tập trung qua HTX

- Hình thức hợp đồng giữa thành viên/nông dân và người mua, trong đó HTX đóng vai trò là trung gian (hưởng hoa hồng).

Người mua trực tiếp ký hợp đồng với xã viên/nông dân thông qua HTX làm cầu nối trung gian. Người mua trả cho HTX một khoản hoa hồng/phí tổ chức để hỗ trợ người mua thực hiện hợp đồng với nông dân.

+ Ưu điểm: Người mua hoàn toàn chủ động và quyết định nhiều vấn đề liên quan đến việc mua bán: giá, loại hàng hóa, hình thức thanh toán….

+ Hạn chế: Nông dân/xã viên ở thế bị động nên thường thua thiệt trong khâu: vận chuyển, bốc vác, giao hàng và phân loại chất lượng hàng hóa…; HTX không thực hiện được vai trò quan trọng là “đại diện thành viên và bảo vệ lợi ích thành viên” vì HTX lấy tiền hoa hồng từ người mua.

- Hình thức HTX ký hợp đồng mua với nông dân/xã viên và ký hợp đồng bán với người mua:

Ở hình thức này HTX đóng vai trò như người mua để hợp đồng mua nông sản của nông dân/xã viên sau đó tổ chức bán lại cho khách hàng có như cầu.

+ Ưu điểm: HTX thu được nhiều lợi nhuận hơn nếu thực hiện thành công hợp đồng với các bên mua và bán; uy tín của HTX với các thành viên, chính quyền được nâng cao;

+ Hạn chế: HTX cần phải có nhiều vốn để thanh toán cho nông dân/thành viên ngay khi mua hàng; HTX phải cạnh tranh gay gắt với thương lái/doanh nghiệp; HTX có khả năng bị thua lỗ do giá nông sản biến đổi.

Tùy theo thực tiễn các HTX có thể lựa chọn một trong hai hình thức trên để triển khai tổ chức dịch vụ đầu ra cho xã viên và người dân có nhu cầu.