Giáo trình

1.1.     Khái quát lịch sử phát triển HTX nông nghiệp một số nước trên thế giới

HTX đầu tiên trên thế giới được hình thành vào năm 1761 tại Vương quốc Anh, sau đó phát triển ra ở hầu hết các nước trên thế giới, không phân biệt ở nước có nền kinh tế phát triển hay đang phát triển như sau:

Ở châu Âu sau thời phong kiến đã xuất hiện sự hợp tác giữa người lao động và chủ sở hữu tư liệu sản xuất dưới hình thức các thỏa thuận “chia sẻ lợi nhuận” và “chia sẻ sản phẩm thặng dư”. Khi Đế quốc Anh rà soát các đạo luật về người nghèo và bác bỏ nguyên tắc từ thiện trong chính sách phúc lợi, một phong trào sâu rộng đã dấy lên trong các hiệp hội chủ trương thân ái của toàn Đế quốc Anh kêu gọi các tầng lớp lao động hợp tác, cam kết tương hỗ giúp đỡ lẫn nhau để tự bảo đảm phúc lợi cho mình, phong trào này chính là nguồn gốc ban đầu để hình thành các HTX sau này. Năm 1810, tại miền trung xứ Wales của nước Anh, Robert Owen và cộng sự đã mua một xưởng xay sát lúa mì và tại đây, ông đã cải tiến một số tiêu chuẩn lao động trong đó có bao gồm việc mở những của hàng bán lẻ giảm giá dành cho công nhân của mình, Owen chính là một trong những người đi tiên phong trong phong trào HTX.

Năm 1844, một nhóm 28 thợ dệt và thợ thủ công khác ở Rochdale, Vương quốc Anh lập ra Hiệp hội Tiên phong Bình đẳng Rochdale (Rochdale Society of Equitable Pioneers – RSEP) hoạt động theo nguyên tắc gọi là Nguyên tắc Rochdale để mở cửa hàng thực phẩm dành riêng cho các thành viên trong Hiệp hội. Nhờ tập hợp nhu cầu thực phẩm của tất cả các thành viên mà khối lượng mua trở thành lớn hơn, có sức mặc cả mạnh hơn nên giá mua từ nhà cung cấp thực phẩm trở nên rẻ hơn. Do đó, họ bán lại cho các thành viên của Hiệp hội với mức giá thấp, giúp cho từng thành viên có thể mua được những mặt hàng thực phẩm đắt tiền mà trước đó họ không thể mua được. Hiệp hội này tuy chưa phải là HTX nhưng một số hoạt động của nó có tính chất HTX và là những hoạt động có tính HTX thành công đầu tiên. Trong vòng 10 năm sau khi Hiệp hội Tiên phong Bình đẳng Rochdale ra đời, ở nước Anh đã xuất hiện hàng ngàn hiệp hội tương tự, các hiệp hội này được gọi là các Hiệp hội Thân ái (Friendly Society).

Trên cơ sở mẫu hình tổ chức và nguyên tắc hoạt động của Hiệp hội Tiên phong Bình đẳng Rochdale và các Hiệp hội Thân ái ở Anh, năm 1845 Samuel Jurkovič – nhà hoạt động xã hội của Slovakia – sáng lập ra các HTX hiện đại đầu tiên của Slovakia và cũng là của châu Âu và thế giới. Trong suốt nửa sau của Thế kỷ 19 có sự gia tăng số lượng các HTX, cả trong thương mại lẫn trong các lĩnh vực dân sự, các HTX này ra đời để thúc đẩy nguyên tắc chính trị dân chủ và phổ thông quyền. Các Hiệp hội Thân ái và các HTX  tiêu dùng đã trở thành các hình thức tổ chức phổ biến nhất của người lao động làm việc trong xã hội công nghiệp Anh trước khi có các tổ chức công đoàn và các xí nghiệp công nghiệp. Theo Weinbren, vào cuối Thế kỷ 19, hơn 80% đàn ông trong độ tuổi lao động ở Anh và 90% đàn ông trong độ tuổi lao động ở Úc là thành viên của một hoặc nhiều Hiệp hội Thân ái. Từ giữa Thế kỷ 19, các tổ chức chủ trương tương hỗ đã đeo bám ý tưởng về nguyên tắc một doanh nghiệp hoặc một hiệp hội nên được sở hữu và kiểm soát bởi những người mà nó phục vụ và chia sẻ mọi khoản thặng dư trên cơ sở sự đóng góp của mỗi thành viên, không phân biệt sự đóng góp đó là tư liệu sản xuất hay lao động, chứ không phải là khả năng đầu tư vốn tài chính của họ.

Phong trào HTX ngày càng lớn mạnh và đã vượt qua phạm vi quốc gia để trở thành các tổ chức quốc tế. Tổ chức ICA – Liên minh Hợp tác xã Quốc tế (International Co-operative Alliance) được thành lập năm 1895 tại London, Anh. Đại hội lần thứ nhất của ICA có sự tham dự của các đại biểu từ các HTX của Argentina, Úc, Bỉ, Anh, Đan Mạch, Pháp, Đức, Hà Lan, Ấn Độ, Ý, Thụy Sĩ, Serbia và Hoa Kỳ. ICA là một liên minh HTX đại diện cho các HTX và phong trào HTX trên toàn thế giới. ICA duy trì định nghĩa được quốc tế công nhận về HTX (đã giới thiệu ở trên) trong Tuyên bố Bản sắc HTX. ICA đại diện cho 313 liên đoàn và tổ chức HTX ở 109 quốc gia. ICA cung cấp tiếng nói và diễn đàn toàn cầu về kiến ​​thức, chuyên môn và hành động phối hợp của các HTX. Các thành viên của ICA là các tổ chức HTX quốc tế và quốc gia thuộc tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế, bao gồm nông nghiệp, ngân hàng, người tiêu dùng, thủy sản, y tế, nhà ở, bảo hiểm và công nhân. ICA đại diện cho gần một tỷ người trên toàn thế giới, khoảng một trăm triệu người làm việc cho các hợp tác xã trên toàn cầu.

-   HTX nông nghiệp ở Đức: 

Nước Đức được coi là một trong những chiếc nôi đầu tiên của mô hình kinh tế HTX ở châu Âu. HTX nông nghiệp ở CHLB Đức hoạt động theo Luật HTX Đức được ban hành từ năm 1890. Theo đó các HTX được coi và đối xử hoàn toàn bình đẳng như các doanh nghiệp khác, phải cạnh tranh lành mạnh với các loại hình doanh nghiệp khác. Các HTX nông nghiệp không được hưởng ưu đãi thuế. Những hỗ trợ của Nhà nước, nếu có, thì chỉ là gián tiếp và dành cho tất cả đối tượng, doanh nghiệp lĩnh vực nông nghiệp, không chỉ dành riêng cho HTX.

HTX nông nghiệp ở Pháp: 

Pháp là quốc gia có lĩnh vực HTX với quy mô lớn. Theo thống kê năm 1994, Pháp có 3.800 HTX bán - chế biến nông sản và 13.00 HTX dịch vụ nông nghiệp với số hội viên là 720.000 người (90% là nông dân). Nếu nhìn vào thị phần, ta thấy TX nông nghiệp chiếm tỷ lệ thị phần cao trên mọi lĩnh vực, rượu vang chiếm 60%, sữa bò 52%, thịt gà 42%, thịt bò 37%, hoa quả 30%, chiếm khoảng 28% trong thị phần ngành nông nghiệp và thực phẩm. Nước Pháp có một nền nông nghiệp quy mô nhỏ ngay cả ở Châu Âu, đang tập trung sức vào việc chế biến thực phẩm để làm tăng thêm giá trị của các ngành nông sản, vì vậy mà HTX nông nghiệp ngoài các hiệp hội của từng vùng còn tổ chức ra 17 hiệp hội HTX nông nghiệp chuyên môn.

HTX nông nghiệp ở Anh: 

Các HTX nông nghiệp của Anh còn thiếu những mối quan hệ tương hỗ với các HTX tín dụng, so với HTX khác ở Tây – Bắc Âu thì rõ ràng là chậm chạp hơn. Tại Anh có 532 HTX và 9.000 hội viên, được chia đều cho loại hình HTX nông nghiệp tổng hợp và HTX nông nghiệp mua nông sản. Việc bán nông sản tới gần đây mới được tiến hành thông qua Marketing Board (Uỷ ban marketing) của nước nhà, song nhờ việc bán nông sản, nông nghiệp ở các nước Châu Âu rất vững mạnh.

-   HTX nông nghiệp ở Hoa Kỳ: 

Là cường quốc về nông nghiệp, Hiệp hội, HTX ở Mỹ cũng rất mạnh, đặc biệt trong ngành công nghiệp sản xuất bơ sữa. Một điểm đặc biệt ở Mỹ là sự thành công của các Hiệp hội, HTX sản xuất chuyên ngành. Thí dụ như Blue Diamond (HTX của những người trồng hạnh, chiếm khoảng 1/3 thị phần thế giới về sản phẩm này), Sunmaid (HTX chế biến nho khô, một trong những nhãn hiệu uy tín) và Ocean Spray (HTX của những người trồng việt quất, một liên minh chiến lược có sức sống mạnh mẽ).

Trong những năm đầu thế kỷ 21, ở Mỹ nổi lên một thế hệ các HTX nông nghiệp mới dựa trên việc đánh giá lại các nguyên tắc HTX. Sự ra đời của thế hệ HTX mới này xuất phát từ nhu cầu tạo thêm nguồn sinh lực mới cho các HTX nông nghiệp để nâng cao sức cạnh tranh. HTX ở Hoa Kỳ phát triển được là nhờ ban đầu họ thông qua việc bán nông sản, rồi sau đó mở rộng sang mua, rồi chế biến thực phẩm.

HTX nông nghiệp ở Thái Lan: 

Hiện nay, Thái Lan có một số mô hình HTX nông nghiệp và HTX tín dụng tiêu biểu: HTX được thành lập nhằm đáp ứng nhu cầu của xã viên trong các lĩnh vực: Vay vốn, gửi tiền tiết kiệm và tiền ký quỹ, tiêu thụ sản phẩm, tiếp thị, hỗ trợ phát triển nông nghiệp và các dịch vụ khác. Thông qua sự trợ giúp của Chính phủ, Ngân hàng Nông nghiệp và HTX Nông nghiệp, xã viên được vay vốn với lãi suất thấp, thời hạn ưu đãi thích hợp cho việc kinh doanh hoặc sản xuất của họ, hoạt động của HTX tín dụng nhằm đáp ứng nhu cầu của xã viên về các lĩnh vực: Khuyến khích gửi tiền tiết kiệm của các xã viên; góp cổ phần; cung cấp các dịch vụ vốn vay cho xã viên…

HTX nông nghiệp ở Nhật Bản: 

Nhật Bản cũng là quốc gia mà các hiệp hội và HTX phát triển rất mạnh. Tổ chức HTX nông nghiệp Nhật Bản được đặc trưng bởi hệ thống 3 cấp: các HTX nông nghiệp cơ sở, các liên hiệp và các liên đoàn quốc gia. Các tổ chức HTX cơ sở được tổ chức ở cấp làng, thị trấn và thành phố trực thuộc tỉnh, gồm những thành viên thường xuyên là nông dân và các thành viên liên kết khác. HTX nông nghiệp cơ sở có 2 loại: HTX nông nghiệp đa chức năng và HTX nông nghiệp đơn chức năng. HTX nông nghiệp đa chức năng có nhiệm vụ hoạt động trong các lĩnh vực nông nghiệp, tiếp thị sản phẩm nông nghiệp, cung cấp nguyên liệu sản xuất và các vật dụng thiết yếu hàng ngày; cho vay và đầu tư vốn, cung cấp bảo hiểm… HTX nông nghiệp đơn chức năng hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất cụ thể như chế biến sữa, nuôi gia cầm và các nghề truyền thống khác. Ngoài ra, còn có chức năng tiếp thị sản phẩm của các xã viên thành viên và cung cấp nguyên liệu sản xuất…