Giáo trình

2.2.3.3. Tính khấu hao tài sản cố định

Tài sản cố định trong quá trình sử dụng sẽ bị hao mòn, nghĩa là tài sản bị giảm dần giá trị sử dụng và giá trị của tài sản cố định do tham gia vào hoạt động sản xuất kinh doanh, do bào mòn của tự nhiên, do tiến bộ kỹ thuật... Để có thể tái tạo lại tài sản cố định khi nó không còn sử dụng được nữa, HTX phải thực hiện việc trích khấu hao.

Khấu hao tài sản cố định là việc tính toán và phân bổ một cách có hệ thống nguyên giá của tài sản cố định vào chi phí sản xuất, kinh doanh trong thời gian trích khấu hao của tài sản cố định.

Theo quy định của pháp luật hiện nay, có 3 phương pháp trích khấu hao: phương pháp khấu hao đường thẳng; phương pháp khấu hao theo số dư giảm dần có điều chỉnh; phương pháp khấu hao theo số lượng, khối lượng sản phẩm.

Căn cứ khả năng đáp ứng các điều kiện áp dụng quy định cho từng phương pháp trích khấu hao tài sản cố định, HTX được lựa chọn các phương pháp trích khấu hao phù hợp với từng loại tài sản cố định của hợp tác xã.

Tài liệu này chỉ hướng dẫn chi tiết phương pháp khấu hao theo đường thẳng.

👉  Nội dung của phương pháp khấu hao theo đường thẳng

 - Dựa vào Thông tư 45/2013/TT-BTC về hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định, HTX chọn thời gian sử dụng hữu ích của tài sản cần trích khấu hao.

- Xác định mức trích khấu hao trung bình hàng năm cho tài sản cố định theo công thức dưới đây:

Mức trích khấu hao trung bình hàng năm của tài sản cố định

=

Nguyên giá của tài sản cố định

Thời gian sử dụng của tài sản cố định

- Mức trích khấu hao trung bình hàng tháng bằng số khấu hao phải trích cả năm chia cho 12 tháng.

👉  Trường hợp thời gian sử dụng hay nguyên giá của tài sản cố định thay đổi

HTX phải xác định lại mức trích khấu hao trung bình của tài sản cố định bằng cách lấy giá trị còn lại trên sổ kế toán chia (cười cho thời gian sử dụng xác định lại hoặc thời gian sử dụng còn lại (được xác định là chênh lệch giữa thời gian sử dụng đã đăng ký trừ thời gian đã sử dụng) của tài sản cố định.

👉  Mức trích khấu hao cho năm cuối cùng của thời gian sử dụng tài sản cố định

Mức trích khấu hao cho năm cuối cùng của thời gian sử dụng tài sản cố định được xác định là hiệu số giữa nguyên giá tài sản cố định và số khấu hao luỹ kế đã thực hiện đến năm trước năm cuối cùng của tài sản cố định đó.

👉  Ví dụ tính và trích khấu hao tài sản cố định

HTX An Bình mua một tài sản cố định (mới 100%) với giá ghi trên hoá đơn là 119 triệu đồng, chiết khấu mua hàng là 5 triệu đồng, chi phí vận chuyển là 3 triệu đồng, chi phí lắp đặt, chạy thử là 3 triệu đồng.

- Biết rằng tài sản cố định có tuổi thọ kỹ thuật là 12 năm, thời gian sử dụng của tài sản cố định HTX dự kiến là 10 năm (được HTX xác định theo điều 10 Thông tư 45/2013/TT-BTC hướng dẫn Xác định thời gian trích khấu hao của tài sản cố định hữu hình), tài sản được đưa vào sử dụng vào ngày 1/1/2019.

Nguyên giá tài sản cố định = 119 triệu - 5 triệu + 3 triệu+ 3 triệu = 120 triệu đồng

Mức trích khấu hao trung bình hàng năm   = 120 triệu : 10 năm =12 triệu đồng/năm.

Mức trích khấu hao trung bình hàng tháng = 12 triệu : 12 tháng = 1 triệu đồng/tháng.

Hàng năm, HTX trích 12 triệu đồng chi phí trích khấu hao tài sản cố định đó vào chi phí kinh doanh.

- Sau 5 năm sử dụng, HTX nâng cấp tài sản cố định với tổng chi phí là 30 triệu đồng, thời gian sử dụng được đánh giá lại là 6 năm (tăng 1 năm so với thời gian sử dụng đã đăng ký ban đầu), ngày hoàn thành đưa vào sử dụng là 1/1/2024.

Nguyên giá tài sản cố định  = 120 triệu đồng + 30 triệu đồng = 150 triệu đồng

Số khấu hao luỹ kế đã trích = 12 triệu đồng (x) 5 năm = 60 triệu đồng

Giá trị còn lại trên sổ kế toán = 150 triệu đồng - 60 triệu đồng = 90 triệu đồng

Mức trích khấu hao trung bình hàng năm  = 90 triệu đồng : 6 năm = 15 triệu đồng/ năm

Mức trích khấu hao trung bình hàng tháng = 15.000.000 đồng : 12 tháng =1.250.000 đồng/ tháng.

Từ năm 2024 trở đi, HTX trích khấu hao vào chi phí kinh doanh mỗi tháng 1.250.000 đồng đối với tài sản cố định vừa được nâng cấp.

👉 Lưu ý, trong một số trường hợp sau đây, HTX không được trích khấu hao TSCĐ:

- TSCĐ đã khấu hao hết giá trị nhưng vẫn đang sử dụng vào hoạt động sản xuất kinh doanh.

- TSCĐ khấu hao chưa hết bị mất.

- TSCĐ khác do HTX quản lý mà không thuộc quyền sở hữu của HTX (trừ TSCĐ thuê tài chính).

- TSCĐ không được quản lý, theo dõi, hạch toán trong sổ sách kế toán của hợp tác xã.

- TSCĐ sử dụng trong các hoạt động phúc lợi phục vụ người lao động của HTX (trừ các TSCĐ phục vụ cho người lao động làm việc tại HTX như: nhà nghỉ giữa ca, nhà ăn giữa ca, nhà thay quần áo, nhà vệ sinh, bể chứa nước sạch, nhà để xe, phòng hoặc trạm y tế để khám chữa bệnh, xe đưa đón người lao động, cơ sở đào tạo, dạy nghề, nhà ở cho người lao động do HTX đầu tư xây dựng).

- TSCĐ từ nguồn viện trợ không hoàn lại sau khi được cơ quan có thẩm quyền bàn giao cho HTX để phục vụ công tác nghiên cứu khoa học.

- TSCĐ vô hình là quyền sử dụng đất lâu dài có thu tiền sử dụng đất hoặc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất lâu dài hợp pháp.