Giáo trình

3.3.1. Phân tích chỉ số khả năng thanh toán

Một tài sản có tính thanh khoản cao hay tài sản thanh khoản là loại tài sản có thể mua bán giao dịch trên thị trường và có thể nhanh chóng chuyển đổi thành tiền với giá hiện hành trên thị trường. Theo từ điển quản lý tài chính ngân hàng, khả năng thanh toán là khả năng của một tài sản có thể nhanh chóng chuyển thành tiền. Chỉ số khả năng thanh toán đo lường khả năng của hợp tác xã trong việc đối phó với các nghĩa vụ tài chính ngắn hạn.

3.3.1.1. Khả năng thanh toán hiện thời

            Khả năng thanh toán hiện thời là chỉ số chỉ rõ khả năng của hợp tác xã trong việc đáp ứng các nghĩa vụ trả nợ ngắn hạn. Thông số này nhấn mạnh đến khả năng chuyển hóa thành tiền mặt của các tài sản lưu động để đối phó với các khoản nợ ngắn hạn.


Khả năng thanh toán hiện thời  =

Tài sản lưu động

Nợ ngắn hạn

 

Nếu một hợp tác xã đang gặp khó khăn về tài chính, họ buộc phải trả nợ chậm hơn, phải vay thêm từ ngân hàng… Nếu nợ ngắn hạn tăng nhanh hơn tài sản lưu động, chỉ số khả năng thanh toán hiện thời sẽ giảm và điều này sẽ đưa công ty đến tình trạng khó khăn. Chỉ số này cung cấp một dấu hiệu đơn giản và tốt nhất về mức độ đảm bảo các khoản nợ ngắn hạn bằng các tài sản dự kiến có thể được chuyển hóa nhanh thành tiền.

3.3.1.2. Khả năng thanh toán nhanh

             Chỉ số này là một công cụ bổ sung cho thông số khả năng thanh toán hiện thời khi phân tích khả năng thanh toán. Chỉ số này chủ yếu tập trung vào các tài sản có tính chuyển hóa thành tiền cao hơn như tiền mặt, khoản phải thu. Với nội dung như vậy, khả năng thanh toán nhanh là một công cụ đo lường khả năng thanh toán chặt chẽ hơn so với khả năng thanh toán hiện thời.

Khả năng thanh toán nhanh =

TSLĐ – Tồn kho

Nợ ngắn hạn

 

3.3.1.3. Quay vòng khoản phải thu khách hàng

            Chỉ số vòng quay khoản phải thu cung cấp nguồn thông tin nội bộ về chất lượng khoản phải thu của hợp tác xã và mức độ hiệu quả của hợp tác xã trong hoạt động thu nợ. Tỷ lệ này được xác định bằng cách chia doanh thu tín dụng hàng năm cho bình quân khoản phải thu hàng ngày.

Vòng quay khoản phải thu  =

Doanh thu bán tín dụng

Khoản phải thu bình quân

 

Chỉ số này cho chúng ta biết số lần khoản phải thu được chuyển hóa thành tiền trong năm. Số vòng quay càng lớn thì thời gian chuyển hóa từ doanh số thành tiền mặt càng ngắn.

3.3.1.4. Kỳ thu tiền bình quân

            Kỳ thu tiền bình quân là khoảng thời gian bình quân mà khoản phải thu khách hàng của hợp tác xã có thể chuyển thành tiền. Kỳ thu tiền bình quân được tính như sau:

Kỳ thu tiền bình quân =

Khoản phải thu bình quân x Số ngày trong năm

Doanh thu tín dụng hàng năm

           

3.3.1.5. Vòng quay khoản phải trả

            Có thể có những lúc hợp tác xã cần nắm thông tin về kỳ hạn trả tiền của chính họ đối với các nhà cung cấp hoặc kỳ hạn trả tiền của một khách hàng tín dụng tiềm năng. Trong trường hợp này, chúng ta cần xem xét thông số vòng quay khoản phải trả bằng cách lấy chi phí mua hàng tín dụng hằng năm chia cho khoản phải trả người bán.

Hệ số vòng quay khoản phải trả  =

Trị giá hàng mua tín dụng

Khoản phải trả bình quân

Ngoài ra chúng ta có thể xác định kỳ trả tiền bình quân như sau:

Kỳ trả tiền bình quân  =

Khoản phải trả x Số ngày trong năm

Trị giá hàng mua tín dụng hàng năm

                                                                                                           

3.3.1.6. Vòng quay tồn kho

            Để biết được hiệu quả trong quản trị tồn kho của công ty, chúng ta tính chỉ số vòng quay hàng tồn kho, giá trị của vòng quay hàng tồn kho được xác định bằng cách chia doanh thu cho hàng tồn kho.

             Vòng quay hàng tồn kho  =

                Doanh thu

           Tồn kho bình quân

Thông tin này cho biết trung bình phải mất bao nhiêu ngày để tồn kho được chuyển thành khoản phải thu và tiền mặt.