Giáo trình

2.2.3. Phân tích ma trận SWOT có tác động đến PASXKD trong HTX

a) Phân tích môi trường bên ngoài – phát hiện cơ hội kinh doanh và những thách thức, trở ngại cần vượt qua

Ø Phân tích môi trường vĩ mô ảnh hưởng tới quá trình kinh doanh của HTX nông nghiệp

  -  Những yếu tố thuộc điều kiện tự nhiên (đất đai, nông hóa thổ nhưỡng, mặt nước; khí hậu: nhiệt độ, nắng gió, độ ẩm….; vị trí địa lý, địa hình; danh lam thắng cảnh tự nhiên).

- Những điều kiện xã hội (tăng trưởng dân số; cơ cấu độ tuổi; di dân và nguồn lao động; cơ cấu giới tính, sức khỏe, nghề nghiệp; trình độ học vấn chung; an sinh xã hội, an ninh xã hội địa phương; phong tục tập quán sản xuất, lối sống; văn hóa lễ hội, tôn giáo; di tích lịch sử, tôn giáo).

- Những điều kiện kinh tế và thị trường địa phương (mức sống, thu nhập; sản phẩm, dịch vụ chính, phụ, phụ trợ; quy mô, cơ cấu các ngành nghề phổ biến hiện nay; sản phẩm đặc sản; sự phát triển ngành nghề truyền thống; sự phát triển các mô hình kinh doanh mới; sự phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; sự phát triển chợ, thị trường khu vực kinh doanh thương mại; quy hoạch kinh tế - kỹ thuật của địa phương).

- Những điều kiện hạ tầng kỹ thuật, công nghệ (hệ thống thủy lợi; hệ thống giao thông; hệ thống năng lượng; hệ thống khuyến nông, khuyến ngư, khuyến công; tỷ lệ diện tích quy hoạch và xây dựng cánh đồng lớn; mức độ cơ giới hóa; Mức độ áp dụng công nghệ cao trong nông nghiệp; tình trạng bảo vệ và xử lý môi trường).

- Những điều kiện chính trị - pháp luật (sự quan tâm của chính quyền địa phương; chính sách khuyến khích đổi mới công nghệ; chính sách thuế với nông sản trong nông nghiệp ở nông thôn; chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn…; chính sách đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn…).

Ø Phân tích môi trường vi mô ngành của HTX ảnh hưởng tới quá trình kinh doanh của HTX nông nghiệp:

- Đối thủ cạnh tranh hiện tại;

- Đối thủ cạnh tranh tiềm ẩn;

- Nhà cung cấp;

- Khách hàng;

- Sản phẩm, dịch vụ thay thế.

Để giúp cho việc phân tích từng yếu tố trên thuận lợi, cách phân tích tốt nhất là phân tích các yếu tố trên theo cấu trúc marketing mix và so sánh ngay với thực trạng năng lực marketing hiện nay của HTX nông nghiệp để nhận diện ngay những điểm mạnh, yếu của HTX nông nghiệp.

Nhận diện đối thủ cạnh tranh trên 4 khía cạnh: về thiết kế sản phẩm; về giá thành và giá cả; về hệ thống phân phối; về xúc tiến thương mại, tiếp thị. Đánh giá tiềm năng đối thủ cạnh tranh: năng lực nguồn lực, công nghệ và tài chính; năng lực quan hệ, thương mại và thị trường.   

Khẳng định, nhận diện và định vị các nhà cung cấp về 4 khía cạnh: về sản phẩm; về giá thành và giá cả; về hệ thống phân phối; về xúc tiến thương mại và tiếp thi. Đánh giá tiềm năng nhà cung cấp: năng lực về công nghệ và tài chính; năng lực quan hệ, thương mại và thị trường.   

Nhận diện khách hàng trên các khía cạnh: nhu cầu và thị hiếu về sản phẩm; nhu cầu và khả năng về tài chính; nhu cầu về hệ thống phân phối, xu hướng áp dụng cách thức mua hàng; nhu cầu về xúc tiến thương mại và tiếp thi. Khả năng duy trì và phát triển khách hàng mục tiêu: khả năng duy trì khách hàng cũ; khả năng phát triển khách hàng mới.

Nhận diện khả năng xuất hiện sản phẩm, dịch vụ thay thế về 4 khía cạnh: về công dụng và lợi ích của sản phẩm; về giá thành và giá cả; về hệ thống phân phối; về xúc tiến thương mại và tiếp thị.

Phân tích từng yếu tố nhằm nhận diện những khó khăn (thách thức), thuận lợi (cơ hội) khách quan do các yếu tố đó gây ra ảnh hưởng tới quá trình sản xuất kinh doanh của HTX nông nghiệp.

Cách tốt nhất, để nhận diện cơ hội, nguy cơ của môi trường bên ngoài ảnh hưởng tới PASXKD củ HTX là thiết kế các câu hỏi cho từng yếu tố cụ thể để các cá nhân có thể trả lời dễ dàng.

b) Phân tích môi trường bên trong – xác định khả năng của HTX và những yếu kém cần hoàn thiện

Bước nghiên cứu và phân tích môi trường nội bộ này bao gồm các nội dung:

- Phân tích nguồn lực (quy mô, chất lượng nguồn lực) và khả năng khai thác nguồn lực của HTX: đất đai, tài nguyên gắn liền với đất; tài sản, máy móc, thiết bị; nguồn lực kỹ thuật công nghệ; nguồn nguyên liệu chính; nguồn lực nhân lực quản lý, lãnh đạo; nguồn lực nhân lực thành viên HTX NN; vốn và khả năng huy động vốn của HTX NN.

- Phân tích kết quả, hiệu quả hoạt động kinh doanh và năng lực cạnh tranh về sản phẩm, dịch vụ của HTX trong quá khứ. Nội dung cần phân tích là:

+ Kết quả, hiệu quả hoạt động kinh doanh sản phẩm, dịch vụ của HTX: Quy mô, cơ cấu sản lượng sản phẩm, dịch vụ; khả năng cung ứng; sản lượng hàng hóa dịch vụ; chi phí, cơ cấu chi phí, giá thành; giá bán; lợi nhuận trước thuế và lợi nhuận sau thuế;

+ Năng lực cạnh tranh của HTX nông nghiệp: năng lực cạnh tranh về chất lượng,  sản phẩm; năng lực cạnh tranh về giá cả và phương thức thanh toán; năng lực cạnh tranh về phân phối và phương thức vận chuyển; năng lực cạnh tranh về phong cách tiếp thị, chăm sóc khách hàng.

- Phân tích hệ thống quản lý và hệ thống chính sách kinh doanh của HTX: bộ máy quản lý HTX nông nghiệp và cơ chế điều hành; hệ thống quản trị marketing và chính sách với khách hàng, đối tác; hệ thống quản trị sản xuất của thành viên và các chính sách với thành viên HTX nông nghiệp và thành viên liên kết; hệ thống quản trị chế biến, hoàn thiện sản phẩm của HTX nông nghiệp và chính sách với người lao động; hệ thống quản trị dịch vụ cưng ứng và tiêu thụ tập trung

c) Phân tích ma trận SWOT và lựa chọn chiến lược cạnh tranh


Bước này bao gồm 3 nội dung:

- Tổng hợp những điểm mạnh (S), điểm yếu (W), cơ hội (O) và nguy cơ (T) để xây dựng bảng ma trận SWOT

- Tổng hợp các nhóm chiến lược cạnh tranh từ ma trận SWOT

- Phân tích để lựa chọn chiến lược cụ thể mà HTX sẽ theo đuổi trong tương lai. Khi phân tích ma trận SWOT, các HTX thường đứng trước sự lựa chọn của 4 nhóm chiến lược sau:

♦️  Nhóm chiến lược 1 (S-O): Sử dụng điểm mạnh của HTX để khai thác cơ hội do môi trường bên ngoài đem lại

♦️  Nhóm chiến lược 2 (W-O): Khắc phục điểm yếu của HTX để tận dụng cơ hội do môi trường đem lại

♦️  Nhóm chiến lược 3 (S-T): Sử dụng điểm mạnh của HTX để phòng chống nguy cơ của môi trường bên ngoài

♦️  Nhóm chiến lược 4 (W-T): Khắc phục điểm yếu của HTX để phòng chống nguy cơ của môi trường bên ngoài.

Điều quan trọng nhất trong phân tích các nhóm chiến lược này là xác định hay lựa chọn hành động cụ thể (hay biện pháp cụ thể) để thực thi trong thực tế.

Bảng 6.1. Các nhóm chiến lược và các chiến lược cụ thể củatừng nhóm chiến lượ


Ghi chú: Cách tốt nhất để liệt kê và lựa chọn các biện pháp cụ thể nhằm thực hiện từng nhóm chiến lược là sử dụng phương pháp tham khảo chuyên gia và phương pháp đồng tham gia của các cán bộ quản lý HTX và có thể mở rộng đối với các thành viên của HTX có trình độ cao, giàu kinh nghiệm.