Giáo trình

4.2. Xây dựng phương án, sản xuất tiêu thụ sản phẩm theo tiêu chuẩn chứng nhận

4.2.1. Xác định vùng sản xuất và quy mô áp dụng

- Sản xuất theo tiêu chuẩn chứng nhận áp dụng trên địa bàn nào (dựa trên yêu cầu đối với địa bàn sản xuất để áp dụng một tiêu chuẩn chứng nhận);

- Trong điều kiện sản xuất theo một tiêu chuẩn chứng nhận đòi hỏi phải có cánh đồng lớn, liền kề nhưng một số hộ có diện tích nằm trong cánh đồng đó không đồng ý tham gia sản xuất theo tiêu chuẩn chứng nhận chung của HTX thì HTX cần đưa ra phương án xử lý (ví dụ như vận động, thuyết phục tham gia: cán bộ HTX trực tiếp vận động hoặc nhờ đến chính quyền địa phương, người có uy tín để vận động; hoặc HTX thuê lại diện tích của hộ đó);

- Quy mô sản xuất theo tiêu chuẩn chứng nhận (ha; số con; sản lượng)

- Bao nhiêu hộ tham gia, với diện tích, sản lượng của hộ là bao nhiêu?

- Bao nhiêu diện tích, sản lượng là sản xuất chung của HTX (từ nguồn lực chung của HTX như đất, ao nuôi, chuồng trại, bãi chăn thả, bãi biển,..)

- Điều kiện của hộ để tham gia sản xuất theo tiêu chuẩn chứng nhận. Những hộ nào thì được ưu tiên tham gia (ví dụ, hộ có quy mô sản xuất lớn, hộ đã áp dụng sản xuất theo một tiêu chuẩn chứng nhận nào đó, hộ được đánh giá có ý thức nghiêm chỉnh chấp hành các quy chế, yêu cầu của HTX, của địa phương,...)

4.2.2. Phương án hỗ trợ thành viên áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn chứng nhận

Để tạo thuận lợi, khuyến khích thành viên HTX áp dụng một tiêu chuẩn chứng nhận trong sản xuất thì HTX cần có sự hỗ trợ cho thành viên. Những hỗ trợ cho thành viên nên hướng đến các nội dung mà thành viên phải đầu tư bổ sung so với sản xuất thông thường và đảm bảo thuận lợi cho thành viên tuân thủ quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn chứng nhận. Các hỗ trợ có thể gồm:

- Tập huấn về tiêu chuẩn chứng nhận, quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn;

- Hướng dẫn hộ áp dụng trong quá trình sản xuất;

- Hỗ trợ đầu tư bổ sung để đáp ứng tiêu chuẩn (ví dụ hỗ trợ bảo hộ lao động, biển báo phun thuốc bảo vệ thực vật, dụng cụ đo nước, sổ sách ghi chép,...);

- Hỗ trợ chi phí đánh giá và cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn;

- Cung ứng vật tư đầu vào đảm bảo chất lượng theo yêu cầu, đặc biệt là giống, thuốc bảo vệ thực vật để đảm bảo nông sản có chất lượng đồng đều, tốt.

4.2.3. Xác định cơ chế hỗ trợ, giám sát thành viên tuân thủ quy trình sản xuất

- Xác định rõ cách thức hỗ trợ thành viên trong quá trình sản xuất để xử lý các vấn đề nảy sinh như dịch bệnh mới, thay đổi thời tiết,...

- Xác định các cơ chế giám sát thành viên tuân thủ quy trình sản xuất và cơ chế xử phạt khi thành viên vi phạm quy trình sản xuất, vi phạm hợp đồng đã ký kết.

4.2.4. Xác định phương án tiêu thụ sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn

- Sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn được bán cho ai, cơ chế thu mua như thế nào (thời điểm, địa điểm).

- Giá bán sản phẩm.

- Cơ chế thanh quyết toán.

- Nội dung hợp đồng với doanh nghiệp như thế nào (trong trường hợp có liên kết bao tiêu sản phẩm)

4.2.5. Xác định vai trò của các tác nhân liên quan và hỗ trợ HTX sản xuất theo tiêu chuẩn chứng nhận

Các hộ thành viên áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn chứng nhận theo định hướng của HTX có thể có những tác nhân sau liên quan: 1) HTX ; 2) Doanh nghiệp liên kết bao tiêu sản phẩm; 3) cơ quan nhà nước; 4) Tổ chức, dự án phát triển. Vì vậy HTX cần xác định rõ vai trò của các tác nhân này trong việc HTX triển khai sản xuất theo tiêu chuẩn chứng nhận.

a) Vai trò của hợp tác xã:

- Đảm bảo tiêu thụ sản phẩm cho thành viên. HTX có thể tiêu thụ sản phẩm cho thành viên thông qua hợp đồng liên kết với doanh nghiệp, tức là HTX là trung gian để doanh nghiệp hợp đồng mua sản phẩm của thành viên hoặc HTX có thể thu mua sản phẩm của thành viên và tự tổ chức tiêu thụ (ví dụ, HTX mua trái cây sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP của thành viên rồi tiến hành làm sạch, phân loại, đóng hộp và dán nhãn mác của HTX và tổ chức thương mại trái cây);

- Tham gia xây dựng quy trình thực hành sản xuất theo tiêu chuẩn chứng nhận và tổ chức tập huấn cho thành viên. Thông thường quy trình thực hành sản xuất do cơ quan chuyên môn của nhà nước hỗ trợ xây dựng hoặc do doanh nghiệp xây dựng. Tuy nhiên, để đảm bảo có sự đồng thuận từ thành viên, cán bộ của HTX nên tham gia vào xây dựng quy trình để đảm bảo các khuyến cáo về quy trình, về sử dụng vật tư đầu vào (giống, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y,..) được hộ thành viên HTX chấp thuận;

- Tổ chức cung cấp vật tư đầu vào và dịch vụ sản xuất nhằm đáp ứng yêu cầu theo tiêu chuẩn chứng nhận áp dụng. HTX nên tổ chức dịch vụ tập trung để cung cấp vật tư đầu vào và dịch vụ sản xuất cho thành viên nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm, giảm giá thành và tuân thủ đúng quy trình;

- Hỗ trợ và giám sát thành viên áp dụng quy trình sản xuất và tuân thủ hợp đồng ký kết;

- Tiếp nhận hỗ trợ, đầu tư ứng trước từ doanh nghiệp, nhà nước, tổ chức, dự án phát triển và phân phối lại cho hộ thành viên.

b) Vai trò của doanh nghiệp liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm

Trong trường hợp doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm được sản xuất theo một tiêu chuẩn chứng nhận thì doanh nghiệp có thể có các vai trò, trách nhiệm sau:

- Thống nhất quy trình thực hành sản xuất để đáp ứng tiêu chuẩn chứng nhận mong muốn;

- Đầu tư ứng trước một số vật tư thiết yếu để đảm bảo sản phẩm sản xuất ra có chất lượng mong muốn;

- Trả chi phí đánh giá và chứng nhận tiêu chuẩn chứng nhận;

- Tập huấn cho hộ nông dân về tiêu chuẩn chứng nhận và quy trình thực hành sản xuất;

- Cử cán bộ hướng dẫn, giám sát hộ nông dân thực hành sản xuất;

- Thu mua, thanh toán theo đúng hợp đồng ký kết.

c) Vai trò của nhà nước, các tổ chức phát triển, dự án phát triển

Một số HTX được Nhà nước hoặc dự án phát triển, tổ chức phi chính phủ hỗ trợ để áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn thì Nhà nước và các tổ chức, dự án phát triển có thể có các vai trò sau:

- Hỗ trợ chi phí đánh giá và cấp chứng nhận tiêu chuẩn;

- Hỗ trợ tập huấn cho hộ thành viên về kỹ thuật sản xuất theo tiêu chuẩn

- Hỗ trợ một số chi phí để áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn.

- Hỗ trợ nâng cao năng lực cho cán bộ HTX.