Giáo trình

3.4. Quyết định về bao bì và nhãn hiệu sản phẩm

Bao bì : là vật dụng để chứa đựng, bảo quản và vận chuyển sản phẩm.

Thiết kế bao bì cho sản phẩm nông sản nhằm cung cấp thông tin về sản phẩm như cách sử dụng, thành phần số lượng và thời hạn sử dụng; tạo niềm tin và ấn tượng tốt đẹp về sản phẩm.

Bao bì không chỉ giúp cho người tiêu dùng dễ dàng lựa chọn sản phẩm mà còn giúp cho HTX truyền thông và khuếch trương hình ảnh về sản phẩm. Bao bì được thiết kế đẹp, nổi bật có thể thu hút khách hàng, tăng doanh số bán hàng, tăng khả năng cạnh tranh, tạo thuận lợi cho việc gắn nhãn và xây dựng nhãn hiệu. Chất liệu của bao bì phải thân thiện với môi trường, có thể tái sử dụng.

Nhãn hiệu: Nhãn hiệu là tên gọi, thuật ngữ, hình vẽ, biểu tượng, ký hiệu hay sự phối hợp giữa chúng, được dùng để xác nhận hàng hóa hay dịch vụ của người bán hay một nhóm người bán và để phân biệt với hàng hóa và dịch vụ của đối thủ cạnh tranh.


- Các quyết định liên quan đến nhãn hiệu:

+ Có gắn nhãn hiệu cho sản phẩm của mình hay không?

+ Ai là người chủ nhãn hiệu sản phẩm?

+ Đặt tên cho nhãn hiệu như thế nào?

* Quy trình cần thực hiện khi đưa ra một nhãn hiệu sản phẩm:

(1) Thiết lập tiêu chuẩn cho nhãn hiệu: nhãn hiệu phải tương ứng với hình ảnh sản phẩm và marketing hỗn hợp (ví dụ: nêu bật uy tín hoặc tính kinh tế). Nhãn hiệu phải nêu được đặc tính và lợi ích của sản phẩm, dễ dàng nhận biết và dịch sang ngôn ngữ khác; tương thích với các sản phẩm khác mà HTX cung cấp.

(2) Nêu ra danh mục các nhãn hiệu có thể lựa chọn: một số HTX quảng cáo và marketing giúp cung cấp danh mục các nhãn hiệu để lựa chọn nếu bạn đưa ra một số mô tả cốt yếu làm cơ sở.

(3) Sàng lọc danh sách để chọn ra một nhãn hiệu tốt nhất và tiếp tục thử nghiệm, xem nhãn hiệu có thỏa mãn tiêu chuẩn ban đầu không.

(4) Thu thập thông tin phản ứng của khách hàng đối với những nhãn hiệu hiện tại.

(5) Đăng ký thương hiệu.

(6) Nhìn một cách tổng thể: Tất cả mọi công việc Marketing phải làm cần có sự nhất quán, rõ ràng và đồng nhất.

(7) Bày hàng: Chú ý vào công việc bày hàng trên giá.


* Thủ tục đăng ký nhãn hiệu sản phẩm:

Việc đăng ký nhãn hiệu sản phẩm thực hiện trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia, cơ quan thực hiện là Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ, gồm các bước sau:

- Bước 1. Tiếp nhận đơn: Đơn đăng ký có thể nộp trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện tới trụ sở Cục Sở hữu trí tuệ tại Hà Nội hoặc 2 Văn phòng đại diện của Cục tại TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.

- Bước 2. Thẩm định hình thức đơn: Kiểm tra việc tuân thủ các quy định về hình thức đối với đơn, từ đó đưa ra kết luận đơn có được coi là hợp lệ hay không (Ra quyết định chấp nhận đơn hợp lệ/từ chối chấp nhận đơn).

+ Trường hợp đơn hợp lệ, Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định chấp nhận đơn hợp lệ;

+ Trường hợp đơn không hợp lệ, Cục Sở hữu trí tuệ ra thông báo dự định từ chối chấp nhận đơn hợp lệ trong đó nêu rõ các lý do, thiếu sót khiến cho đơn có thể bị từ chối chấp nhận và ấn định thời hạn 2 tháng để người nộp đơn có ý kiến hoặc sửa chữa thiếu sót. Nếu người nộp đơn không sửa chữa thiếu sót/sửa chữa thiếu sót không đạt yêu cầu/không có ý kiến phản đối/ý kiến phản đối không xác đáng thì Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định từ chối chấp nhận đơn.

- Bước 3. Công bố đơn: Sau khi có quyết định chấp nhận đơn hợp lệ, đơn sẽ được công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp.

- Bước 4. Thẩm định nội dung đơn: Đánh giá khả năng được bảo hộ của đối tượng nêu trong đơn theo các điều kiện bảo hộ, qua đó xác định phạm vi bảo hộ tương ứng.

- Bước 5. Ra quyết định cấp/từ chối cấp văn bằng bảo hộ:

+ Nếu đối tượng nêu trong đơn không đáp ứng được các yêu cầu về bảo hộ, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ra quyết định từ chối cấp văn bằng bảo hộ;

+ Nếu đối tượng nêu trong đơn đáp ứng được các yêu cầu về bảo hộ, và người nộp đơn nộp phí, lệ phí đầy đủ, đúng hạn thì Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ra quyết định cấp văn bằng bảo hộ, ghi nhận vào Sổ đăng ký quốc gia về nhãn hiệu và công bố trên Công báo Sở hữu công nghiệp.