Giáo trình

Hệ thống: HỌC LIỆU ĐIỆN TỬ
Khoá học: GIÁM ĐỐC HỢP TÁC XÃ NÔNG NGHIỆP - TRÌNH ĐỘ SƠ CẤP
Book: Giáo trình
Được in bởi: Người dùng khách
Ngày: Thứ ba, 7 Tháng một 2025, 1:35 AM

Table of contents

1. Giới thiệu các mô hình hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới

Theo quyết định số 167/QĐ-TTg ngày 3 tháng 2 năm 2021 các mô hình hợp tác xã kiểu mới trong lĩnh vực nông nghiệp bao gồm:

- Mô hình hợp tác xã vừa sản xuất, vừa tham gia thị trường (sàn giao dịch nông sản);

- Mô hình hợp tác xã tích tụ, tập trung ruộng đất có quy mô lớn và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất;

- Mô hình hợp tác xã nông nghiệp đảm nhiệm các dịch vụ đầu vào, sơ chế/chế biến và đầu ra trong chuỗi giá trị nông sản;

- Mô hình hợp tác xã ứng phó biến đổi khí hậu;

- Mô hình hợp tác xã phát triển nông lâm thủy sản bền vững;

- Mô hình hợp tác xã sản xuất sản phẩm OCOP, gắn với du lịch nông thôn, miền núi;

- Mô hình doanh nghiệp tham gia là thành viên hợp tác xã sản xuất chế biến nông lâm thủy sản;

- Mô hình hợp tác xã đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản và bảo vệ nguồn lợi cộng đồng.

Trong quá trình triển khai các mô hình HTX kiểu mới lĩnh vực nông nghiệp, một số HTX đã triển khai và được những kết quả cao ở các mô hình sau:




1.1. Mô hình hợp tác xã vừa sản xuất, vừa tham gia thị trường (sàn giao dịch nông sản)

Việc liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản giúp gia tăng chất lượng và giá trị sản phẩm nông nghiệp, góp phần bảo đảm tiêu thụ sản phẩm với giá ổn định cho người nông dân. Cùng với đó, các doanh nghiệp khi tham gia liên kết sản xuất với nông dân cũng chủ động được nguồn cung sản phẩm nông nghiệp với giá cả ổn định.


1.2. Mô hình hợp tác xã tích tụ, tập trung ruộng đất có quy mô lớn và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất

Mô hình này thực hiện dồn điền đổi thửa, người nông dân tự nguyện hiến một phần đất để chỉnh trang đồng ruộng, nâng cấp bờ vùng, bờ thửa, kênh mương, tạo điều kiện thuận lợi cho việc ứng dụng khoa học - kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, hình thành những thửa ruộng, cánh đồng lớn tạo tiền đề cho việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất, giảm chi phí, nâng cao hiệu quả cho người nông dân từng  bước hình thành sản xuất lớn.


1.3. Mô hình hợp tác xã nông nghiệp đảm nhiệm các dịch vụ đầu vào, sơ chế/chế biến và đầu ra trong chuỗi giá trị nông sản

Mô hình hợp tác xã nông nghiệp đảm nhiệm các dịch vụ đầu vào, sơ chế/chế biến và đầu ra trong chuỗi giá trị nông sản nhằm xác định trước nhu cầu thị trường tiêu thụ để định hướng sản xuất mới đảm bảo được quan hệ cung - cầu hài hòa, nông dân mới tránh được tình trạng “được mùa mất giá’’, qua đó, từng bước nâng cao chất lượng, giá trị nông sản và thu nhập cho người nông dân.


1.4. Mô hình nâng cao năng lực ứng phó biến đổi khí hậu của các HTX nông nghiệp

Ðể ứng phó với biến đổi khí hậu (BÐKH), các giải pháp bao gồm chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp thuần túy sang phát triển kinh tế nông nghiệp đa dạng, đáp ứng nhu cầu của thị trường; chuyển từ phát triển theo số lượng sang chất lượng.
Ðồng thời, mở rộng quy mô, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh của các HTX; xây dựng các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế; chia sẻ kinh nghiệm và tiếp thu những sáng kiến của người dân về ứng phó với BÐKH; bố trí lại mùa vụ, cơ cấu cây trồng, lựa chọn và cung ứng vật tư, phân bón, cây con giống thích hợp; ứng dụng công nghệ thông tin và cung cấp thông tin về thị trường vật tư, nông sản và thông tin thời tiết, khí hậu, điều hành sản xuất; phát huy tốt vai trò của các HTX tham gia chuỗi và ứng phó với BÐKH

1.5. Mô hình hợp tác xã phát triển nông lâm thủy sản bền vững

Mô hình hợp tác xã phát triển nông lâm thủy sản bền vững là định hướng cơ bản, trụ cột để đảm bảo an ninh lương thực, tạo nền tảng ổn định cuộc sống, đóng góp vào hội nhập quốc tế, tạo đà xuất khẩu lớn hàng đầu khu vực, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam.

Để phát triển mô hình HTX nông lâm thủy sản bền vững Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050 đã xác định 08 định hướng, nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn trong thời gian tới: 

  • hoàn chỉnh cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với lợi thế cạnh tranh và yêu cầu thị trường; 
  • tổ chức các khâu quan trọng trong sản xuất nâng cao hiệu quả, đảm bảo phát triển bền vững; 
  • thúc đẩy hợp tác, liên kết, phát triển chuỗi giá trị, các mô hình nông nghiệp tiên tiến; 
  • phát triển kinh tế nông thôn tạo việc làm và tăng thu nhập cho dân cư nông thôn; 
  • xây dựng nông thôn văn minh, hiện đại gắn với đô thị hoá, giữ gìn văn hoá truyền thống; 
  • phát triển bao trùm, đảm bảo công bằng phúc lợi xã hội ở nông thôn; 
  • xây dựng cộng đồng vững mạnh làm nòng cốt phát triển nông thôn, sản xuất nông nghiệp;
  •  bảo vệ môi trường sinh thái, cảnh quan thích nghi biến đổi khí hậu.


1.6. Mô hình hợp tác xã sản xuất sản phẩm OCOP, gắn với du lịch nông thôn, miền núi

Chương trình OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trọng tâm của chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện.

Chương trình đã khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh của các địa phương về sản phẩm đặc sản, ngành nghề nông thôn gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, vùng nguyên liệu và văn hóa truyền thống để gia tăng giá trị sản phẩm OCOP, như: các làng nghề truyền thống ở Đồng bằng sông Hồng; trái cây và dược liệu ở Miền núi phía Bắc, cà phê và hồ tiêu ở Tây Nguyên, lúa gạo và thuỷ sản ở Đồng bằng sông Cửu Long... Từng bước chuyển đổi sản xuất quy mô nhỏ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị khép kín, đặc biệt là gắn với vai trò của các HTX, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chương trình đã hình thành được 393 chuỗi giá trị OCOP hoạt động hiệu quả với vai trò tích cực của HTX và doanh nghiệp.

Bước đầu, Chương trình OCOP đã góp phần tạo việc làm cho lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, đặc biệt là phát huy vai trò của phụ nữ và đồng bào dân tộc thiểu số. 

 


1.7. Mô hình hợp tác xã đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản và bảo vệ nguồn lợi cộng đồng

Nông dân có nghề nuôi trồng, chế biến thủy sản ở nhiều địa phương, nhất là các huyện ven biển trong cùng tỉnh đã tăng cường liên kết với nhau thông qua việc thành lập các HTX nuôi thủy sản. Qua đó, giúp các hộ nuôi trồng tìm ra đầu mối chung để nâng cao tiềm lực kinh tế, sức cạnh tranh trên thị trường, tạo thuận lợi trong việc triển khai các chính sách hỗ trợ của Nhà nước cũng như cùng nhau giải quyết các vấn đề khó khăn trong quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Bên cạnh đó, các HTX tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật tiên tiến nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh trong khai thác, đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thủy hải sản và bảo vệ được nguồn lợi cộng đồng.


2.1. Khái niệm về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

- Nông nghiệp công nghệ cao là nền nông nghiệp có sự ứng dụng những công nghệ mới, tiên tiến trong các quy trình canh tác, sản xuất, nhằm mục đích nâng cao hiệu quả, tạo bước đột phá về năng suất, nâng cao chất lượng nông sản, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội và đảm bảo sự phát triển nông nghiệp bền vững (Theo Vụ Khoa học Công nghệ – Bộ Nông nghiệp và PTNT)

- Các công nghệ mới ứng dụng trong sản xuất được thể hiện cụ thể ở hình 2.6 nhằm mục đích hướng tới một nền nông nghiệp sạch và bền vững

- Việc ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp mang lại hiệu quả trong nhiều khâu của quá trình sản xuất nông nghiệp

Nông nghiệp công nghệ cao có các đặc trưng sau:

- Chủ yếu sản xuất trong nhà có mái che với trang thiết bị hiện đại, đồng bộ, kết hợp nhiều công nghệ tiến bộ

- Môi trường sản xuất được kiểm soát, đảm bảo vệ sinh

- Kỹ thuật canh tác tiên tiến, đồng bộ, có tính chuyên nghiệp cao

- Người quản lý và công nhân sản xuất có kiến thức và trình độ chuyên môn giỏi.

- Sản phẩm có năng suất và chất lượng rất cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng
của thị trường trong nước và xuất khẩu


2.2.1. Ứng dụng công nghệ nhà kính, nhà màng trong sản xuất cây trồng

a) Giới thiệu nhà kính, nhà màng

* Nhà kính (Greenhouse)

Nhà kính có cạnh và mái làm bằng kính dùng để trồng rau quả, tránh tác động nhất thời của thời tiết như mưa to gió mạnh.

Nhà kính có đặc điểm:

-Trên mái được lắp các cửa thông gió so le để thông gió theo kiểu tự nhiên.

- Khả năng thông gió khoảng 30% nhờ các cửa thông gió di động trên mái.

- Chủ yếu dùng cho những vùng lạnh, bức xạ thấp, nhiều gió, tuyết.

- Cấu trúc phức tạp, đòi hỏi kỹ thuật cao

- Khả năng thông gió thấp.

- Ít phù hợp với khí hậu Việt Nam


* Nhà màng (Polyethylene Greenhouse)

- Nhà màng được lợp bằng polyethylene với các tính năng: Bảo vệ cây trồng, chống bám bụi, độ dẻo dai cao, chịu lực tốt, chịu được hóa chất nông nghiệp, ngăn côn trùng, sâu bệnh. Độ truyền sáng 90%, tăng quá trình quang hợp. Khuếch tán ánh sáng tốt, tạo ánh sáng khuếch tán đồng đều, đảm bảo năng suất cây trồng cao.

- Có khả năng thông gió tốt và phù hợp với điều kiện khí hậu Việt Nam

b) Ưu, nhược điểm của mô hình nhà màng, nhà kính trong SXNN

* Ưu điểm

- Có thể áp dụng ở những nơi đất xấu, nghèo dinh dưỡng

- Cây trồng được cách ly với mầm mống sâu bệnh hại và độc tố ở trong đất

- Thâm canh cao

- Phòng tránh cỏ dại

- Phòng tránh tác hại của thiên tai và lây lan sâu bệnh hại

- Tăng năng suất cây trồng

- Sử dụng phân bón và nước tưới tiêu hiệu quả nhất

* Nhược điểm

- Chi phí đầu tư cao

- Yêu cầu chất lượng nước tưới cao, kỹ thuật cao

- Nước và giá thể thải cần được xử lý

- Tăng nguy cơ tạo điều kiện cho bệnh hại

- Tăng nguy cơ về vấn đề dinh dưỡng cho cây trồng



2.2.2. Ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt

a) Định nghĩa tưới nhỏ giọt

Tưới nhỏ giọt là một phương pháp tưới tiết kiệm nước và phân bón bằng cách cho phép nước nhỏ giọt từ từ vào rễ của nhiều loại cây khác nhau, hoặc nhỏ lên bề mặt đất hoặc trực tiếp lên vùng có rễ, thông qua một mạng lưới gồm các van, đường ống, và lỗ thoát (hình 2.9)


b) Ưu, nhược điểm của phương pháp tưới nhỏ giọt

* Ưu điểm

 - Đảm bảo phân bố độ ẩm đều trong tầng đất nông nghiệp canh tác, tạo điều kiện thuận lợi về chế độ không khí, nhiệt độ, độ ẩm, thức ăn, quang hợp.. cho cây trồng.

- Cung cấp một cách đều đặn lượng nước tưới cần thiết nhưng tránh được hiện tượng tập trung muối trong nước tưới và trong đất, khắc phục hiện tượng bạc màu, rửa trôi đất trên đồng ruộng.

- Tiết kiệm nước đến mức tối đa, giảm đến mức tối thiểu các tổn thất lượng nước tưới do bốc hơi, thấm…đảm bảo năng suất tưới

- Không gây ra hiện tượng xói mòn đất, không tạo nên váng đất đọng trên bề mặt và không phá vỡ cấu tượng đất.

- Tạo điều kiện cho cơ giới hóa, tự động hóa thực hiện tốt một số khâu như phun thuốc trừ sâu, bón phân hóa học kết hợp với tưới nước.

- Phụ thuộc rất ít vào các yếu tố thiên nhiên như độ đốc của địa hình, thành phần và cấu trúc đất tưới, mực nước ngầm nông hay sâu, ảnh hưởng của sức gió…  phù hợp với mọi địa hình nông nghiệp Việt Nam

- Hạn chế được sự phát triển của cỏ dại quanh gốc cây và sâu bệnh vì lượng nước chỉ cung cấp làm ẩm gốc cây.

- Tưới nhỏ giọt cung cấp nước thường xuyên, duy trì chế độ ẩm thích hợp theo nhu cầu sinh trưởng và phát triển của các loại cây trồng công nghiệp, cây trồng công nghiệp. Nhờ đó, cây sinh trưởng tốt, phát triển nhanh, đạt năng suất cao.

* Nhược điểm

- Hệ thống ống tưới nhỏ giọt hay bị tắc nghẽn do bùn cát, rong, tảo, tạp chất hữu cơ, các chất dinh dưỡng không hòa tan… Chính vì vậy, nguồn nước tưới của hệ thống tưới nhỏ giọt cần phải được xử lý qua bộ lọc

-Tưới nhỏ giọt không có khả năng làm mát cây và cải tạo vi khí hậu như tưới phun mưa, không có khả năng rửa lá giúp cây quang học tốt.

Tưới nhỏ giọt cần phải có vốn đầu tư ban đầu, người đầu tư phải có trình độ tiếp cận kỹ thuật tưới.

Khi tưới nhỏ giọt bị gián đoạn, cây trồng sẽ xấu đi nhiều so với các phương pháp tưới khác.


c) Phân loại hệ thống tưới nhỏ giọt

* Tưới nhỏ giọt theo băng

- Đặc điểmDùng hệ thống dây tưới nhỏ giọt có các lỗ với khoảng cách cố định (15cm, 20cm, ...., 50cm ), rải trên bề mặt luống. Khi cấp nước vào hệ thống, nước sẽ nhỏ qua các lỗ và tạo thành một vùng ẩm xung quanh lỗ (tùy theo loại đất mà vùng này từ 15- 40cm). 

Lưu ý: Nếu dùng loại lỗ nhỏ giọt với lưu lượng nhỏ thì sẽ được vùng ẩm rộng nhưng nông và ngược lại. 


- Ưu điểm: 

+ Lắp đặt nhanh, dễ dàng. 

+ Tiết kiệm nước tưới 

+ Có thể pha chung phân bón vào nước tưới, do đó tiết kiệm phân bón và tiết kiệm công bón phân 

+ Có thể cung cấp nước một cách đều đặn 

+ Có thể dễ dàng kiểm soát độ ẩm đất thông qua việc kiểm soát thời gian tưới. 

+ Độ ẩm đồng đều. 

- Nhược điểm: 

+ Phải kiểm tra và rửa bộ lọc thường xuyên để tránh tắc lỗ nhỏ giọt. 

+ Mỗi lần làm lại đất là phải tháo dỡ ra. 

- Ứng dụng Ứng dụng chủ yếu cho các loại rau, hoa màu đặc biệt là họ nhà dưa bầu bí (vì các loại này không ưa quá ẩm và ướt lá), trồng theo luống. 

* Tưới nhỏ giọt điểm với hệ thống đầu tưới không cố định (hình 2.12)

- Đặc điểm: Dùng hệ thống dây tưới nhỏ giọt  không có sẵn lỗ, rải theo tuyến định tưới, sau đó gắn thêm các núm tưới hoặc đầu nhỏ giọt mũi tên vào nơi mà ta muốn nước chảy ra. Khi cấp nước vào hệ thống, nước sẽ nhỏ qua các núm và tạo thành một vùng ẩm xung quanh lỗ (tùy theo loại đất mà vùng này từ 15- 40cm).

- Ưu điểm: 

+ Lắp đặt nhanh, dễ dàng. 

+ Tiết kiệm nước tưới 

+ Có thể pha chung phân bón vào nước tưới, tiết kiệm phân bón và tiết kiệm công bón phân 

+ Có thể cung cấp nước một cách đều đặn. 

+ Có thể dễ dàng kiểm soát độ ẩm đất thông qua việc kiểm soát thời gian tưới. 

+ Linh động trong việc chọn vị trí tưới. 

+ Có thể ứng dụng rất đa dạng với các biện pháp canh tác khác nhau, khoảng cách cây trồng khác nhau. 

- Nhược điểm: 

+ Phải kiểm tra và rửa bộ lọc thường xuyên để tránh tắc lỗ nhỏ giọt. 

+ Mỗi lần làm lại đất là phải tháo dỡ ra. 

+ Giá thành cao nhất trong các loại hệ thống tưới. 

- Ứng dụng:  Ứng dụng chủ yếu cho các loại cây trồng trong bầu. 

* Tưới nhỏ giọt theo vùng nhỏ

- Đặc điểm: Đây là một hệ thống tưới kết hợp giữa hai loại tưới nhỏ giọt nêu trên: dùng hệ thống dây tưới không có sẵn lỗ để làm dây trục, sau đó tại các vị trí cần tưới theo vùng ta trích lỗ và kết nối với đường ống tưới theo băng.

- Ưu điểm và nhược điểm: tương tự như hệ thống tưới nhỏ giọt có đầu tưới không cố định.

- Ứng dụng: Ứng dụng chủ yếu cho các loại cây ăn quả với khoảng cách trồng xa nhau.



2.2.3. Ứng dụng công nghệ trồng cây không dùng đất

Công nghệ trồng cây không dùng đất bao gồm các công nghệ: trồng cây trên giá thể, thủy canh và khí canh

a) Trồng trên giá thể

* Định nghĩa

Trồng cây trên giá thể là cây trồng sẽ được trồng và phát triển trực tiếp trên các loại giá thể hữu cơ, vô cơ nhưng thường là các chất hữu cơ giàu dinh dưỡng để giúp cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt.

* Phân loại giá thể

Có thể phân thành 3 loại giá thể: giá thể hữu cơ, giá thể vô cơ, giá thể tổng hợp.

- Giá thể hữu cơ:

+ Than bùn: là nguyên liệu lấy từ các loại thực vật bị phân hủy có hàm lượng dinh dưỡng cao, dễ phối trộn cùng các nguyên liệu khác tạo nên môi trường giá thể tơi xốp, giữ ẩm cao

Giữ nước tốt

pH thấp, hàm lượng dinh dưỡng, khoáng thấp

Hoạt động của vi sinh vật ít

Chất lượng than bùn phụ thuộc vào xác thực vật phân hủy và mức độ phân hủy.

+ Mùn cưa: chủ yếu sử dụng mùn cưa từ gỗ của các cây công nghiệp ngắn ngày và chứa hàm lượng tinh dầu thấp, không dùng mùn cưa của loại gỗ đã ngâm qua hóa chất

Có thể sử dụng tùy thuộc vào từng loại gỗ

Một số loại gỗ (gỗ đỏ không phân hủy) chứa độc tố

C/N cao (1000)à khó phân hủy

Hàm lượng cellulose & lighin cao; thiếu N ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của cây trồngà cần bổ sung nhiều N khi ủ mục.


+ Xơ dừa/ mụn xơ dừa: là nguyên liệu lấy từ trái dừa khô bóc tách ra, để dạng xơ hay nghiền nhỏ thành mụn xơ dừa, ngâm nước xử lý chất chát rồi ủ trong thời gian nhất định

Giữ nước tốt, thoát nước tốt

pH cao hơn than bùn

Hạn chế hàm lượng dinh dưỡng khoáng

Có thể thiếu Na & Cl

Hàm lượng Ca & Mg thấp

+ Trấu hun: dùng vỏ trấu từ thóc được hun cháy ở nhiệt độ cao nên đảm bảo sạch mầm bệnh, khả năng thấm hút nước cao


Rất nhẹ

Nhiều lỗ hổngà giữ nước kém

Không thể sử dụng đơn thuần

Cải thiện khả năng thoát nước của giá thể

Khó phân hủy

+ Vỏ cây tươi hay khô: cần ủ trước khi dùng phối trộn giá thể trồng cây.

Giữ nước kém, thoáng khí tốt

Thành phần hóa học có thể thay đổi: có thể phản ứng với phân bón, khả năng ủ mục tùy thuộc tuổi cây, vi sinh vật hữu hiệu có thể hoạt động.

 


 Một số giá thể tự nhiên khác như: rêu, bùn ao, than củi, tro, dớn,…

Hầu hết các giá thể tự nhiên này đều rất dễ tìm thấy trên thị trường với giá thành thấp, thậm chí một số loại có thể tự làm được tại nhà bằng các nguyên liệu xung quanh.

- Giá thể vô cơ

+ Cát sỏi:

Chủ yếu là cát sỏi ở kích thước nhỏ, đã được làm sạch và sấy hoặc phơi khô để loại bỏ đi mầm bệnh hay nguồn lây nhiễm bệnh cho cây.

Giá thể trơ

Rẻ tiền, sẵn có, dễ sử dụng

Độ xốp thấp -> rễ phát triển kém (chủ yếu phát triển ở khoảng giữa thành hậu/túi và giá thể).

      

+ Đá Perlite: hay còn gọi là đá núi lửa

Tơi xốp, thoáng khí, giữ nước và duy trì được nhiệt độ ở mức cân bằng, giá thể đá Perlite có thể dùng độc lập để trồng cây hoặc phối trộn tùy theo nhu cầu người trồng.

Khả năng trao đổi cation CEC và giá trị dinh dưỡng thấp.

Không có tính đệm.


+ Đất sét nung: là đất sét được nung ở nhiệt độ cao

Sạch mầm bệnh, CEC cao, dung trọng lớn

Khả năng thấm hút nước và giữ ẩm tốt

Thoát nước tốt, thoáng khí

+ Polystyrene (Styrofoan)

Nhẹ

Bền

Thoáng khí tốt

Thoát nước tốt

Giữ nước kém

CEC=0

Giảm dung trọng

Không khử trùng bằng nhiệt và một số loại hoá chất được

+ Polyurethane foan (PUR)

 Tuổi thọ tới 15 năm

PUR sử dụng cho 10% diện tích trồng rau ở Bỉ

Chi phí đầu tư cao, chi phí xử lý phế thải cao

Không hiệu quả bằng len đá

b) Trồng bằng phương pháp thủy canh

* Giới thiệu phương pháp thủy canh

Thủy canh là hình thức canh tác không dùng đất. Cây được trồng trên hoặc trong dung dịch thủy canh thông qua các loại giá thể, sử dụng dinh dưỡng hòa tan trong nước dưới dạng dung dịch thủy canh và tùy theo từng kỹ thuật mà toàn bộ hoặc một phần rễ cây được ngâm trong dung dịch dinh dưỡng.

* Phân loại hệ thống thủy canh

Căn cứ vào đặc điểm dung dịch dinh dưỡng có thể chia hệ thống thủy canh làm 2 loại:

Hệ thống thủy canh tĩnh: dung dịch dinh dưỡng không chuyển động trong quá trình trồng cây. Rễ cây được nhúng một phần hay hoàn toàn trong dung dịch dinh dưỡng.

Hệ thống này có ưu điểm là chi phí đầu tư thấp vì không cần hệ thống làm chuyển động dung dịch nhưng hạn chế là thường thiếu oxy và pH thường giảm gây ngộ độc cho cây.

 

Hệ thống thủy canh động (thủy canh tuần hoàn hay thủy canh hồi lưu): Dung dịch có chuyển động trong quá trình trồng cây. Hệ thống này chi phí cao hơn nhưng rễ cây không bị thiếu oxy. Hệ thống này được chia làm 2 loại:

+ Hệ thống thủy canh mở: Dung dịch dinh dưỡng không có sự tuần hoàn trở lại, gây lãng phí.

+ Hệ thống thủy canh kín: Dung dịch dinh dưỡng có sự tuần hoàn trở lại nhờ hệ thống bơm hút dung dịch dinh dưỡng từ bể chứa.


* Ưu, nhược điểm của phương pháp thủy canh

Ưu điểm:

- Có thể chủ động điều chỉnh dinh dưỡng cho cây, các loại dinh dưỡng được cung cấp theo yêu cầu của từng loại rau, có thể loại bỏ các chất gây hại cho cây và không có các chất tồn dư từ vụ trước.

- Tiết kiệm nước do cây sử dụng trực tiếp nước trong dụng cụ đựng dung dịch nên nước không bị thất thoát do ngấm vào đất hoặc bốc hơi.

- Giảm chi phí công lao động do không phải làm một số khâu như làm đất, làm cỏ, vun xới và tưới

- Dễ thanh trùng vì chỉ cần rửa bằng formaldehyt loãng và nước lã sạch.

- Hạn chế sử dụng thuốc bảo thực vật và điều chỉnh được hàm lượng dinh dưỡng nên tạo ra sản phẩm ray an toàn đối với người sử dụng.

- Trồng được rau trái vụ do điều khiển được các yếu tố môi trường

- Nâng cao năng suất và chất lượng rau: Năng suất rau có thể tăng từ 25 - 50%

Nhược điểm

- Giá thành cao do đầu tư ban đầu lớn. Điều này rất khó mở rộng sản xuất vì điều kiện kinh tế của người dân còn nhiều khó khăn nên không có điều kiện đầu tư cho sản xuất. Mặt khác giá thành cao nên tiêu thụ khó khăn.

- Yêu cầu kỹ thuật cao: Khi sử dụng kỹ thuật thủy canh yêu cầu người trồng phải có kiến thức về sinh lý cây trồng, về hóa học và kỹ thuật trồng trọt cao hơn vì tính đệm hóa trong dung dịch dinh dưỡng thấp hơn trong đất nên việc sử dụng quá liều một chất dinh dưỡng nào đó có thể gây hại cho cây, thậm chí dẫn đến chết. Mặt khác mỗi loại rau yêu cầu một chế độ dinh dưỡng khác nhau nên việc pha chế dinh dưỡng phù hợp với từng loại thì không đơn giản.

- Sự lan truyền bệnh nhanh: Mặc dù đã hạn chế được nhiều sâu bệnh hại nhưng trong không khí luôn có mầm bệnh, khi xuất hiện thì một thời gian ngắn chúng có mặt trên toàn bộ hệ thống, đặc biệt là hệ thống thủy canh tuần hoàn. Mặt khác ẩm độ cao, nhiệt độ ổn định trong hệ thống là điều kiện thuật lợi cho sự phát triển của bệnh cây. Cây trồng trong hệ thống thủy canh thường tiếp xúc với ánh sáng tán xạ nên mô cơ giới kém phát triển, cây mềm yếu, hàm lượng nước cao nên dễ xuất hiện vết thương tạo điều kiện cho vi sinh vật xâm nhập.

- Đòi hỏi nguồn nước đảm bảo tiêu chuẩn nhất định: Theo Midmore thì độ mặn trong nước cần được xem xét kỹ khi sử dụng cho trồng rau thủy canh, tốt nhất là nhỏ hơn 2.500 ppm.

c) Trồng bằng phương pháp khí canh

* Định nghĩa:

Khí canh là hệ thống trồng cây không cần đất, nước mà trồng trong môi trường không khí có chứa các giọt dinh dưỡng dưới dạng sương mù. Đây được xem là một hình thức cải tiến của phương pháp thủy canh.


* Ưu, nhược điểm:

 Ưu điểm:

- Giúp tiết kiệm tối đa lượng nước cung cấp để trồng rau (tiết kiệm 90% nước)

- Không cần đến đất vẫn có thể trồng rau để cung cấp nguồn rau sạch cho người tiêu dùng

- Cho phép nhân nhiều loại giống với chu kỳ nhân giống nhanh, có thể trồng vụ quanh năm

- Giúp cây sinh trưởng và phát triển nhanh, cho năng suất cao gấp 1.5 lần so với kỹ thuật trồng cây truyền thống hạn chế được sự phụ thuộc vào yếu tố tự nhiên

- Tạo môi trường sống hoàn toàn sạch bệnh cho cây nên không cần phải có sự can thiệp của thuốc trừ sâu bệnh có chất hóa chất độc hại

- Vi khuẩn rất khó tiếp cận để làm hại bộ rễ của cây

Nhược điểm:

- Chi phí dùng để đầu tư, vận hành, sửa chữa khá lớn

- Cần phải áp dụng công nghệ cao mới có thể thực hiện thành công kỹ thuật này

- Vì mô hình cần hoạt động 24/24 giờ nên tiêu thụ lượng điện năng khá lớn

- Cần kiểm tra sâu bệnh cho cây hằng ngày để đảm bảo cây sinh trưởng và phát triển bình thường.


2.2.4. Ứng dụng công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp

a) Khái niệm:

Ứng dụng công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp là việc ứng dụng các giải pháp công nghệ như: trí tuệ nhân tạo (AI), mạng lưới vạn vật kết nối (IoT), điện toán đám mây, big data, ...nhằm cắt giảm sự can thiệp thủ công của con người vào quá trình sản xuất nông nghiệp, nâng cao hiệu quả sản xuất.

b) Các lĩnh vực áp dụng

- Công nghệ số được ứng dụng vào quản lý và tổ chức sản xuất nông nghiệp như: lập kế hoạch cho sản xuất, tính toán chi phí, doanh thu theo mùa vụ. Các phần mềm quản lý ứng dụng trong nông nghiệp cho phép các doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao có thể kiểm soát gần như toàn bộ chi phí cho quá trình sản xuất kinh doanh của mùa vụ hay cả năm, theo từng ngành hàng. Đồng thời, phần mềm có thể hỗ trợ tính toán doanh thu tương đối chính xác, tạo bảng cân đối thu chi và lợi nhuận của doanh nghiệp. Đây là cơ sở để giảm bớt nhân công cũng như chi phí quản lý sản xuất trong nông nghiệp công nghệ cao.

- Ứng dụng công nghệ số còn có thể thu thập, phân tích các thông số của đất, nước, không khí như: nhiệt độ, áp suất, độ ẩm, lượng mưa, mật độ ánh sáng, tốc độ gió,... dùng làm cơ sở điều khiển các thiết bị tích hợp như hệ thống tưới, làm mát, đèn chiếu sáng, mái che,... nhằm kiểm soát tốt hơn điều kiện môi trường sinh trưởng của cây trồng, vật nuôi tuân theo đúng quy trình chuẩn, đảm bảo chất lượng sản phẩm đầu ra đúng tiêu chuẩn.

- Ứng dụng phần mềm và chíp cảm biến trên toàn bộ hệ thống quản lý sản xuất nông nghiệp công nghệ cao để tự động hóa toàn bộ quá trình sản xuất từ khâu ươm mầm, gieo hạt, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản nông sản sau thu hoạch. Ngoài ra có thể kết hợp với internet và big data để cải thiện chất lượng công tác dự báo khí hậu, xu hướng thị trường trong nước và thế giới để hỗ trợ khâu sản xuất và tiêu thụ sản phẩm tốt hơn.

- Ứng dụng cảm biến kết nối vạn vật ở hầu hết các trang trại nông nghiệp (IoT Sensors). Các thiết bị cảm biến và thiết bị thông minh được kết nối và điều khiển tự động trong suốt quá trình sản xuất nông nghiệp, giúp ứng phó với biến đổi khí hậu, cải thiện vi khí hậu trong nhà kính.

- Ứng dụng mạng lưới vạn vật kết nối (IoT) kết hợp với máy tính hay điện thoại di động để giám sát và quản lý trang trại trồng trọt, chăn nuôi hay nuôi trồng thủy sản.


- Ứng dụng Internet, điện thoại di động, điện toán đám mây để nâng cao hiệu quả hoạt động của công nghệ tài chính phục vụ trang trại. Khi đó tất cả các hoạt động của trang trại được kết nối bên ngoài, nhằm đưa ra công thức quản trị trang trại có hiệu quả cao nhất.


2.2.5. Ứng dụng công nghệ tự động hóa trong sản xuất nông nghiệp

a) Khái niệm

Ứng dụng công nghệ tự động hóa trong sản xuất nông nghiệp là việc áp dụng các công nghệ nhằm chuyển một phần lớn hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất nhờ sức lao động của con người sang cho máy móc thiết bị. Theo khái niệm này, quá trình tự động sẽ không cần sự can thiệp quá sâu của con người, mà sẽ sử dụng các hệ thống điều khiển khác nhau giúp máy móc vận hành nhanh hơn, chuẩn xác hơn, giảm sự can thiệp của con người, thậm chí một số quy trình là hoàn toàn tự động.

Ngày nay, dây chuyền sản xuất nông nghiệp hiện đại đã giảm bớt số lượng nhân công do việc ứng dụng robot cùng các thiết bị cảm biến siêu quang phổ. Các thiết bị này có độ nét cao, cảm biến nhiệt, màn hình hiển thị thời tiết và máy quét xung laze để thu thập dữ liệu về độ tăng trưởng của cây trồng, vật nuôi cũng như các thông tin khác về môi trường sau đó truyền về thiết bị điện tử của người giám sát.

Ứng dụng công nghệ tự động hóa trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao giúp tăng năng suất lao động, giảm chi phí quản lý, tối ưu hóa các yếu tố đầu vào, đầu ra và thông báo tình hình sinh trưởng, phát triển của cây trồng, vật nuôi một cách nhanh chóng nhất. Từ đó giúp hỗ trợ điều chỉnh trong quá trình sản xuất nông nghiệp nhằm tạo ra những sản phẩm có chất lượng tốt nhất.

b) Các lĩnh vực áp dụng

* Ứng dụng Robot thay cho việc chăm sóc cây trồng, vật nuôi ngày càng trở nên phổ biến, được ứng dụng tại các quốc gia già hóa dân số và có quy mô sản xuất lớn.

Công nghệ Robot nông nghiệp sẽ tham gia vào việc tự động hóa các quá trình sản xuất nông nghiệp như: làm đất, gieo trồng, chăm sóc (làm cỏ, tưới tiêu), bảo vệ cây trồng, thu hoạch, vận chuyển nông sản trong trang trại trồng trọt hoặc chăm sóc vật nuôi các trang trại chăn nuôi. Nhờ sử dụng Robot mà năng suất lao động cao gấp 50 đến 70 lần so với lao động thủ công và có độ chính xác cao.

Công nghệ Robot thường sử dụng ở các nước có những đặc thù như: diện tích đất nông nghiệp rộng, già hóa dân số nhanh, địa hình canh tác bằng phẳng, cây trồng yêu cầu tính thời vụ cao như: Nga, Mỹ, Canada, Australia, Trung Quốc,…


* Ứng dụng các thiết bị bay không người lái (Drones) và các vệ tinh (Satellites) để khảo sát thực trạng thu thập dữ liệu của các trang trại, từ đó phân tích khuyến nghị trên sơ sở dữ liệu cập nhật được để quản lý trang trại chính xác.

Thiết bị bay không người lái được sử dụng để khảo sát thực trạng, thu thập dữ liệu trong các trang trại hặc để phun thuốc bảo vệ thực vật.


d. Ứng dụng công nghệ đèn LED và pin năng lượng mặt trời

- Công nghệ đèn LED là công nghệ tạo bước sóng ánh sáng tối ưu, do đó cây trồng được sử dụng ánh sáng hầu như đáp ứng tuyệt đối quá trình sinh trưởng của cây từ lúc trồng đến lúc thu hoạch, vì vậy cây trồng có năng suất tối ưu và chất lượng tốt nhất. Công nghệ này đã và đang trở thành công nghệ không thể thiếu để canh tác trong nhà phục vụ ở các khu công nghiệp và nông nghiệp đô thị nhằm đáp ứng nhu cầu thực phẩm có chất lượng cao và tuyệt đối an toàn.

- Công nghệ đèn LED sử dụng đồng bộ trong canh tác kỹ thuật cao để tối ưu hóa quá trình sinh trưởng, ứng dụng ở các quốc gia có quỹ đất nông nghiệp ít hoặc nông nghiệp đô thị.

- Công nghệ đèn LED thường áp dụng ở các nước có nền nông nghiệp hiện đại, những nước dễ ảnh hưởng về biến đổi khí hậu hoặc diện tích sản xuất nông nghiệp ít như: Philippines, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Vương Quốc Bỉ,… Nhờ ứng dụng công nghệ đèn LED đã tăng hệ số sử dụng đất.


- Ứng dụng pin năng lượng mặt trời để sử dụng hiệu quả không gian, giảm chi phí năng lượng, hầu hết các thiết bị trong trang trại/doanh nghiệp được cấp điện mặt trời và các bộ pin điện mặt trời (hình).

            Công nghệ sinh học là một chuyên ngành nghiên cứu, vận dụng và kết hợp thiết bị, quy trình kỹ thuật cùng các sinh vật sống để tạo ra một sản phẩm nhất định, sau đó sản xuất thành phần trên quy mô công nghệ.

            Công nghệ sinh học tạo ra các giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất cao, chất lượng tốt, chống chịu với sâu  bệnh và có khả năng thích nghi với điều kiện biến đổi khí hậu, phòng, chống các loại  dịch bệnh. Bên cạnh đó, nhiều loại chế phẩm sinh học, thuốc bảo vệ thực vật nguồn gốc sinh học thế hệ mới được sản xuất, ứng dụng đã góp phần tích cực trong việc phòng trừ dịch hại, bảo vệ cây trồng, không gây ô nhiễm môi trường và nâng cao sức khỏe cho người sản xuất, người tiêu dùng. 

Các chế phẩm sinh học được sử dụng phổ biến trong hoạt động sản xuất nông nghiệp để xử  lý với các loại phụ phẩm nông nghiệp như rơm, cỏ, thân ngô, thân lạc… để chế biến thành phân hữu cơ vi sinh góp phần giảm ô nhiễm môi trường và giảm chi phí đầu tư.


2.3.1. Mô hình nhà màng thông minh

Đây là mô hình gồm hệ thống giám sát điều khiển tích hợp bằng vi tính, ứng dụng công nghệ số để cải thiện quy trình kiểm soát bằng cách kết hợp chức năng của nhiều đơn vị cảm biến, phân tích và tạo logic để điều khiển đối tượng mong muốn (đóng mở các cửa thông gió, bật tắt quạt hút, quạt làm mát, đóng mở van hệ thống tưới, phân bón...) nhằm kiểm soát chính xác nhiệt dộ, ẩm độ, ánh sáng, dinh dưỡng và quy trình canh tác trong nhà màng.

* Những công nghệ áp dụng trong hệ thống

- Một hệ thống điều khiển tích hợp sẽ bao gồm các chương trình và phần mềm điều khiển, thu thập các thông số từ các cảm biến (nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, CO2, hàm lượng phân bón...) từ đó đưa ra các lệnh điều khiển để vận hành các thiết bị chấp hành (hệ thống phun sương, làm giàu CO2, lưới cắt nắng, cửa thông hơi, hệ thống tưới tiêu, dinh dưỡng, ...).

- Hệ thống SCADA (Hệ thống điều khiển giám sát và thu thập dữ liệu) được áp dụng rộng rãi trong công tác quản lý và vận hành nhà màng công nghệ cao (nhà màng thông minh). Thông qua hệ thống HMI/SCADA cài đặt trên máy chủ đặt tại trung tâm điều khiển, người quản lý có thể giám sát toàn bộ các thông số môi trường theo thời gian thực, nhận những cảnh báo môi trường vượt ngưỡng cài đặt hoặc các tình trạng bất thường của các máy móc thiết bị đang vận hành trong nhà màng, điều khiển được tất cả các thiết bị từ xa nhằm tạo môi trường sinh trưởng chính xác và ổn định cho cây trồng.

- Với sự phát triển của điện toán đám mây, hệ thống điều khiển tích hợp sẽ dễ dàng cung cấp các dịch vụ giám sát các thông số đo môi trường sản xuất và cho phép thay đổi, điều chỉnh cho phù hợp các thông số này qua máy tính hay ngay trên thiết bị di động như máy tính bảng, điện thoại thông minh tại bất kỳ đâu có kết nối mạng internet (hình 2.34)



* Yêu cầu lắp đặt hệ thống

Để đảm bảo điều kiện để lắp đặt hệ thống giám sát điều khiển tự động, khu nhà màng sản xuất cần một số hạ tầng thiết bị chấp hành sau:

- Hệ thống hạ nhiệt làm mát gồm: tường nước, hệ thống cấp nước và quạt hút gió (Fans and cooling Pad), quạt đối lưu, động cơ điều khiển cửa thoát nhiệt mái và vách (Hình 2.35)

- Hệ thống máy làm lạnh công suất lớn chủ động hạ nhiệt theo yêu cầu.

- Hệ thống tăng nhiệt là máy gia nhiệt chạy dầu hoặc chạy than để đốt nóng không khí trong buồng đốt, sau đó sử dụng quạt công suất lớn thổi khí nóng vào trong nhà thông qua hệ thống ống vải (hoặc nylon) dạng xương cá đặt bên trong nhà màng.

- Hệ thống điều chỉnh ánh sáng là hệ thống lưới cắt nắng bên trong hoặc bên ngoài.

- Hệ thống đèn chiếu sáng cây trồng.

- Hệ thống bơm điện, van điện điều khiển hệ thống tưới phun sương, tưới dinh dưỡng, phun hóa chất khử trùng diệt khuẩn.


- Hệ thống máy pha dung dịch, bơm dung dịch (nhà màng thủy canh) (hình 2.12)

- Hệ thống máy bổ sung làm giàu CO2.

Các loại thiết bị máy móc trên sau khi được lắp đặt kết nối với hệ thống điều khiển tích hợp máy tính sẽ trở thành các thiết bị chấp hành đầu cuối, hoạt động đóng/mở hoặc đóng/cắt dựa trên các logic đã lập trình trong bộ điều khiển trung tâm hoặc các thao tác của người quản lý từ xa qua hệ thống điều khiển (hình 2.37).


* Thuận lợi và trở ngại khi ứng dụng công nghệ

Thuận lợi:

- Sản xuất nông nghiệp phải chịu nhiều tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu như hạn hán, nhiệt độ tăng cao thì việc đầu tư lắp đặt nhà màng, nhà lưới công nghệ cao là hướng đi đúng;

- Công nghệ nhà màng thông minh điều khiển tự động không chỉ đảm bảo môi trường thuận lợi cho cây trồng phát triển quanh năm, mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm trên thị trường nhờ tiêu chí”sạch” trong sản xuất trồng trọt;

- So với phương pháp sản xuất truyền thống, phương pháp sản xuất trong nhà màng với hệ thống tưới tiêu – dinh dưỡng thông minh cùng hệ thống điều khiển khí hậu hợp lý được tự động hóa giúp kiểm soát toàn bộ các yếu tố tác động tới quá trình sinh trưởng và phát triển của cây trồng. Nhờ đó, có thể đưa vào sản xuất những bộ giống độc đáo, cung ứng cho thị trường nhiều loại rau củ quả an toàn, chất tốt trên quy mô lớn, năng suất cao, tiết kiệm chi phí.

Trở ngại:

- Vốn đầu tư tương đối lớn.

- Việc đầu tư lắp đặt nhà màng thông minh điều khiển tự động hiện nay chỉ thật sự phù hợp với quy mô sản xuất lớn do yêu cầu sự đồng bộ về hạ tầng thiết bị chấp hành cũng như giá thành các gói phần cứng phần mềm điều khiển còn tương đối cao.

Lưu ý:

Ứng với mỗi vùng miền khác nhau, những mẫu nhà màng và hệ thống điều khiển các yếu tố trong nhà màng cũng có sự thay đổi nhất định cho phù hợp với điều kiện khí hậu của từng vùng, trong đó hệ thống điều khiển khí hậu có thể tự động hoặc bán tự động. Tuy nhiên, đối với vùng thường chịu nhiều tác động của thiên tai như bão lũ, động đất thì cần cân nhắc kỹ giữa lợi ích và chi phí do rủi ro.


2.3.2. Mô hình trồng rau khí canh

Nguyên lý hoạt động của công nghệ khí canh là sản xuất cây mà không cần đất, theo cách phun dinh dưỡng dạng sương mù vào bộ rễ, kích thích cây ra rễ, sinh trưởng, phát triển. Trong môi trường thoáng khí, phân bón được hòa vào nước, cứ 5-15 phút hệ thống tưới sẽ tự động phun sương để cây hấp thụ dinh dưỡng để sinh trưởng và phát triển. Dung dịch thừa được thu lại, lọc, bổ sung chất dinh dưỡng để tiếp tục sử dụng. Ngoài việc nhân giống nhanh, đảm bảo giữ được nguồn gen gốc và cho ra đời thế hệ giống mới hoàn toàn sạch bệnh, có khả năng sinh trưởng phát triển nhanh, công nghệ này còn giảm được 90% chi phí về nước, 95% phân bón và 99% thuốc bảo vệ thực vật so với phương pháp canh tác truyền thống.

Mô hình sản xuất giống khoai tây bằng phương pháp khí canh tạo ra củ giống khoai tây có độ thuần cao, sức sinh trưởng mạnh, không bị lẫn tạp chất và sạch bệnh, đáp ứng được nhu cầu củ giống cho thị trường. Đây là mô hình có sự tích hợp công nghệ giữa sinh học,tin học, vật liệu mới và công nghệ tự động hóa. Nhờ chu trình khép kín từ trồng đến thu hoạch nên tiết kiệm nước và dinh dưỡng cho cây trồng.



2.3.3. Mô hình trồng nấm ứng dụng công nghệ cao

Nuôi trồng nấm công nghệ cao là người sản xuất phải hoàn toàn có thể kiểm soát được các chế độ như môi trường, nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng và đảm bảo các điều kiện tối ưu để nấm phát triển. Từ đó nấm phát triển đều hơn, năng suất hơn, chất lượng hơn và đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Hiện nay nhiều mô hình trồng nấm kim châm, nấm bào ngư, nấm mỡ công nghệ cao được triển khai nhiều và mang lại giá trị, hiệu quả kinh tế cao

Đầu tư cho nhà trồng nấm công nghệ cao rộng 200m2 từ nhà xưởng, kệ, thiết bị máy móc hết 500 triệu đồng, số tiền khá lớn đối với những người khởi nghiệp, nhưng có thể sản xuất số lượng lớn từ 100.000-200.000 bịch phôi. Còn nếu sản xuất nấm lệ thuộc nhiệt độ ngoài trời cần phải tưới liên tục để điều chỉnh nhiệt độ nên chỉ có thể làm từ 10.000 bịch phôi trở lại, mà rủi ro rất cao.

      Hưởng ứng phong trào nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam, ông Tăng Đức ở Đức Trọng – Lâm Đồng đã phát triển trại nấm mỡ để giờ đây có doanh thu triệu đô, chất lượng được vinh danh số 1 thị trường trong nước và xuất khẩu sang nhiều thị trường khó tính trên thế giới.

          Tổng cộng chi phí cho dây chuyền sản xuất nấm mỡ của ông Đức tốn khoảng 1 triệu USD nhưng những máy móc hiện đại mà ông đưa vào dây chuyền đều nâng mức sản lượng mỗi tháng lên gấp 10 lần. Mỗi tháng dây chuyền của ông Đức có thể xuất ra 15 tấn nấm mỡ mà vẫn đảm bảo được chất lượng.

2.3.5. Mô hình chăn nuôi bò sữa công nghệ cao

Đây là mô hình nông nghiệp công nghệ cao được xây dựng để chăm sóc đàn bò theo một quy trình tổng thể từ khâu chăm sóc cho đến khi tạo ra thành phẩm cuối cùng.

Tại Việt Nam, mô hình chăn nuôi bò sữa ứng dụng công nghệ cao theo hướng hiện đại có thể thấy ở 2 doanh nghiệp lớn là Vinamilk và TH True Milk.

Trước tiên giống bò sữa đều được chọn lọc và mua về từ các quốc gia lớn trên thế giới như New Zealand, Australia, …

Về chăm sóc sức khỏe, mỗi con bò sữa đều được gắn chip điện tử riêng để theo dõi qua phần mềm công nghệ thông tin. Từ kiểm soát tình trạng sức khỏe hàng ngày, lượng đồ ăn thức uống cho đến kiểm soát thời kỳ phối giống, phát hiện bệnh để can thiệp kịp thời,…

Công việc vắt sữa trong các trang trại này phải thực hiện theo quy trình khép kín để đảm bảo thành phẩm được tạo ra đáp ứng đúng tiêu chuẩn về nhiệt độ, thời gian vắt, bảo quản đến nhà máy chế biến sản xuất không quá 24 giờ tạo ra dòng sữa nguyên chất thơm ngon.

Về cơ sở hạ tầng, chuồng trại có hệ thống mái là tôn lạnh chống nóng, trong chuồng có hệ thống quạt làm mát phun tắm tự động, dự trữ thức ăn. Hơn nữa, khẩu phần ăn còn được lập trình bằng máy tính phù hợp từng giống bò.

Về vấn đề vệ sinh, hệ thống dọn phân, xử lý chất thải bảo vệ môi trường là hoàn toàn tự động. Từ đó đảm bảo chất lượng sữa bò mang đến người tiêu dùng là dinh dưỡng và an toàn nhất.

Bên cạnh đó mô hình chăn nuôi bò còn ứng dụng các công nghệ cao: sử dụng robot để cho bò ăn, robot vắt sữa tự động, công nghệ chỉnh gen, công nghệ nâng cao chất lượng sữa


2.3.6. Mô hình chăn nuôi gà, lợn trong chuồng lạnh

Mô hình chăn nuôi gà, lợn trong chuồng lạnh theo quy trình khép kín cũng đang dần phổ biến tại nhiều địa phương trong cả nước ta.

Điểm nhấn của mô hình này nằm ở hệ thống chuồng trại xây kín với hệ thống làm mát bằng nước, quạt hút gió, đệm lót sinh học, hệ thống tự động điều chỉnh nhiệt độ,… Với công nghệ hiện đại, nhiệt độ trong chuồng phù hợp với từng giai đoạn phát triển, từng giống gà, lợn, các quy trình xử lý khoa học khử mùi hôi.

Bằng ứng dụng công nghệ thông tin, việc cho ăn uống, chăm sóc và theo dõi sức khỏe, phát hiện bệnh của gia cầm, gia súc đều được đưa về một trung tâm điều khiển. Do đó, nhân công có thể giảm đi hơn nửa vẫn đảm bảo chất lượng chuồng trại.

Đặc biệt trong công nghệ nuôi gà đang dần áp dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo để chọn lọc giống gà tốt. Tuy nhiên, phương pháp này đòi hỏi kỹ thuật cao nên còn nhiều trở ngại.



2.3.7. Mô hình chuỗi cung ứng khép kín

Mô hình chuỗi cung ứng khép kín cho phép chúng ta tích hợp nhiều hình thức từ trồng trọt đến chăn nuôi và canh tác…. trong cùng một khu vực nông trại nhằm mục đích tạo ra một vòng cung ứng khép kín.

Với chuỗi cung ứng khép kín này, doanh nghiệp hoàn toàn có thể chủ động, kiểm soát được chất lượng đầu vào của thức ăn cũng như chất lượng sản phẩm khi tung ra thị trường, tạo dựng thương hiệu. Với Mô hình chuỗi cung ứng khép kín Công ty Quế Lâm tại Thừa Thiên Huế đã đầu tư xây dựng một nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ; một tổ hợp chăn nuôi an toàn sinh học 4F tại xã Phong Thu, huyện Phong Điền. Tập đoàn này còn thành lập 3 công ty để sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hữu cơ; cùng với các hợp tác xã và hàng trăm hộ nông dân liên kết sản xuất nông sản hữu cơ, chăn nuôi an toàn sinh học với khoảng 500 ha lúa, cây hoa màu các loại, khoảng 250 con heo nái và 5.000 con heo thịt

3. Hướng dẫn hợp tác xã lựa chọn công nghệ

Tiêu chí quan trọng nhất đối với HTX khi  lựa chọn CNC đó là CNC giúp cải thiện rõ năng suất, chất lượng và mẫu mã  của  nông  sản. Đây là yêu cầu cốt lõi để gia tăng giá trị của nông sản ứng  dụng CNC so với nông  sản  cùng  loại  nhằm đáp  ứng  yêu  cầu  ngày càng  cao của  thị trường. 

Cùng với đó, tiêu chí về giảm  chi phí  đầu  vào cũng  được các HTX ưu tiên hàng đầu, như  giảm  chi  phí  về nước  tưới, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và công lao động. Hai tiêu chí đầu tiên này  nhằm bảo đảm  HTX có thể thu được  lợi  nhuận từ việc đầu tư CNC. Tuy nhiên, việc lựa chọn CNC bị  ràng buộc bởi các điều kiện nguồn lực của HTX nên tiêu chí quan trọng tiếp theo mà các HTX cân  nhắc đó là CNC cần phù hợp với điều  kiện về vốn, đất đai và lao động của HTX. Tiêu chí “có thể thử nghiệm trên quy mô nhỏ” có mức ưu tiên thấp vì theo các HTX họ có thể tham khảo, học từ các mô hình đã ứng dụng CNC trên địa bàn. 

Cũng như vậy, tiêu chí “không quá rủi ro khi ứng dụng” cũng không phải là tiêu chí quan trọng vì theo lý giải từ các HTX họ đã dự liệu các rủi ro có thể phát sinh và chấp nhận khi đầu tư. Hơn nữa theo các HTX, ngoài rủi ro thị trường, các rủi ro khác (thời tiết, dịch bệnh) có thể quản lý tốt hơn nhờ ứng dụng CNC.

 

Như vậy công nghệ được lựa chọn để áp dụng cần đáp ứng các tiêu chí sau:

- Xuất phát từ yêu cầu sản xuất trọng điểm của vùng, có thị trường

- Phù hợp với điều kiện sản xuất, trình độ nhân lực của hợp tác xã

- Công nghệ đó phải có sức lan tỏa, thực sự có hiệu quả kinh tế.

Các bước lựa chọn công nghệ cao cho HTX:

- Tìm hiểu đặc điểm, ưu nhược điểm của từng công nghệ.

- Khảo sát điều kiện sản xuất: đất đai, khí hậu.

- Đánh giá trình độ nhân lực hợp tác xã.

- Xác định nguồn vốn đầu tư.

- Xác định khả năng tài chính của hợp tác xã.

- Xác định khả năng thu hút doanh nghiệp, nhà nước đầu tư.

- Tìm hiểu các chính sách ưu đãi về tín dụng, đất đai, thuế.

- Tính toán hiệu quả kinh tế khi lựa chọn mô hình.

- Lựa chọn công nghệ phù hợp

Nên tổ chức sản xuất và áp dụng công nghệ một cách đồng bộ.

Vì thế cho nên việc áp dụng công nghệ cao trong nông nghiệp phải nghiên cứu, quản lý và áp dụng công nghệ theo chuỗi, sao cho sản phẩm cuối cùng đáp ứng được mọi thị trường và có hiệu quả kinh tế.


4. Hướng dẫn thực hành, thăm quan mô hình HTX hoạt động có hiệu quả

Bước 1 - Chuẩn bị đi thăm quan học tập

Nhiệm vụ của Giám đốc HTX khi tổ chức cho các thành viên đi thăm quan học tập kinh nghiệm:

- Xác định mô hình HTX tham quan.

- Xác định mục tiêu hoạt động thăm quan, trải nghiệm

- Xác định địa điểm thăm quan cụ thể: HTX được chọn thăm quan phải đảm bảo các tiêu chí: Phù hợp với định hướng về mô hình thăm quan, có điểm nổi bật về hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh; có địa điểm và cơ sở vật chất đáp ứng được nhu cầu thăm quan học tập.

- Kết nối với địa điểm thăm quan: bằng văn bản, e-mail hoặc trao đổi qua điện thoại, trực tiếp

- Xây dựng kế hoạch, nội dung, mong muốn kết quả thu được của các thành viên sau chuyến thăm quan, trải nghiệm

- Định hướng và phân công nhiệm vụ thăm quan trải nghiệm cho từng thành viên chủ chốt trong chuyến đi. Nhiệm vụ sau thăm quan, trải nghiệm có thể là viết báo cáo kết quả thăm quan học tập kinh nghiệm hoặc trình bày theo nhóm hoặc cá nhân tại buổi họp của HTX.

Nhiệm vụ của thành viên HTX:

- Chuẩn bị các nội dung, mong muốn tìm hiểu tại HTX đến thăm quan.

- Nghe hướng dẫn kế hoạch từ cán bộ phụ trách. Sau khi tiếp nhận nhiệm vụ, viên có thể nêu ý kiến phản hồi về nhiệm vụ (nếu băn khoăn, thắc mắc) để cán bộ phụ trách giải thích rõ nhiệm vụ, yêu cầu trước khi bắt đầu trải nghiệm.

Bước 2 – Thăm quan thực tế

Nhiệm vụ của Giám đốc HTX

Đây là bước thứ hai của quá trình tổ chức tham quan, trải nghiệm. Trong bước này, để tổ chức hoạt động hiệu quả, Giám đốc HTX, đơn vị tổ chức cần chú ý thực hiện tốt vai trò của người hướng dẫn, dẫn dắt, hỗ trợ thành viên, đối tượng tham quan.

Thực hiện theo kịch bản, chương trình, kế hoạch đã thống nhất

Chia sẻ tại Hội trường: Các HTX giới thiệu thông tin và thành phần tham gia buổi thăm quan học tập. Báo cáo kết quả tình hình sản xuất kinh doanh của HTX, các sản phẩm lợi thế, những điểm mạnh tạo nên sự thành công của HTX. Trao đổi, thảo luận giữa các đại biểu tham gia. Tại buổi làm việc này có thể có những nội dung hợp tác hỗ trợ trong phát triển HTX như maketting, liên kết chuỗi, phát triển các thương hiệu sản phẩm…

Tổ chức thăm quan thực địa nơi sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản của HTX. Chuẩn bị các tài liệu có của HTX để phát cho các thành viên.

Nhiệm vụ của thành viên HTX:

Chia sẻ các nội dung mong muốn cần học tập, đặt các câu hỏi để thảo luận nhằm có kiến thức về sản xuất, kinh doanh.

Tham gia thăm quan nơi sản xuất, chế biến và tiêu thụ của HTX.

Thu thập nguồn học liệu (thông tin, dữ liệu, …) từ những mô hình tham quan, trải nghiệm. Thông qua vốn kiến thức, kinh nghiệm của bản thân, từ người hướng dẫn và các kênh thông tin khác để giải quyết nhiệm vụ trải nghiệm…

Bước 3 – Viết báo cáo thu hoạch kết quả thăm quan trải nghiệm

Thông qua nhiệm vụ thăm quan, trải nghiệm của thành viên. Giám đốc HTX có thể tổ chức thảo luận, tranh luận về vấn đề tổ chức hoạt động của HTX và bài học thành công của mô hình, các nội dung có thể ứng dụng vào quản lý HTX. Giám đốc HTX có thể gợi ý, dẫn dắt để thành viên tự rút ra kinh nghiệm, kiến thức cần đúc kết.

Ở bước này, thành viên có nhiệm vụ quan sát, đối chiếu giữa kết quả của mình với các thành viên trong HTX hoặc giữa nhóm mình với các nhóm. Thông qua gợi ý của Giám đốc HTX, thành viên có thể tự tổng hợp những vấn đề cốt lõi từ nhiệm vụ trải nghiệm.

Giám đốc HTX hoặc cán bộ chủ chốt của chuyến đi viết báo cáo thu hoạch từ việc thăm quan học tập để từ đó đưa ra các bài học kinh nghiệm áp dụng vào HTX mình