Giáo trình
1.2.1. Nguyên tắc soạn thảo hợp đồng
Làm sao có hợp đồng đầy đủ thông tin, chuyên nghiệp trong mắt đối tác thì chúng ta phải tuân thủ những nguyên tắc soạn thảo hợp đồng sau:
👉 Nguyên tắc thứ nhất: Mỗi văn bản hợp đồng chỉ điều chỉnh một quan hệ hợp đồng.
Giải thích điều này tương đối trừu tượng nên có thể hình dung dễ hơn bằng ví dụ như sau:
+ A và B mua bán tài sản trên đất với nhau, thì đó là quan hệ mua bán tài sản gắn liền với đất.
+ A cho B thuê đất thì đó là quan hệ thuê quyền sử dụng đất.
+ A sử dụng dịch vụ tư vấn thuế của B thì đó là quan hệ hợp đồng tư vấn thuế.
+ Không nên lập thành một hợp đồng mà trong đó, A vừa cho B thuê tài sản trên đất, lại vừa bán tài sản khác trên đất cho B.
+ Hoặc, không nên ký một hợp đồng mà A vừa sử dụng dịch vụ tư vấn thuế của B lại vừa mua tài liệu, sách báo về thuế từ B.
+ Giữa A và B có thể tồn tại nhiều quan hệ với nhau, những mối quan hệ như vậy nên lập thành một văn bản hợp đồng riêng.
👉 Nguyên tắc thứ hai: Hợp đồng song vụ hay đơn vụ
Hợp đồng song vụ là hợp đồng mà mỗi bên đều có nghĩa vụ với phía bên kia, tức là hai bên đều có nghĩa vụ với nhau. Xác định nguyên tắc soạn thảo hợp đồng này rất quan trọng để khi xây dựng đề cương hợp đồng, chúng ta có thể xây dựng theo hình xương cá, với nội dung giao dịch chính là xương sống, còn xương hai bên chính là quyền và nghĩa vụ của mỗi bên. Quyền của bên này sẽ là nghĩa vụ của bên kia. Nếu thấy chỗ nào mà một bên có quyền nhưng bên kia chưa có nghĩa vụ thì phải kiểm tra lại.
Ví dụ: Liên quan đến giao hàng, thì nghĩa vụ của bên bán là giao hàng, nghĩa vụ của bên mua là nhận hàng; nghĩa vụ của bên bán là giao hàng đúng địa điểm thì nghĩa vụ của bên mua là nhận hàng tại đúng địa điểm đã thỏa thuận. Hoặc, quyền của bên bán là nhận tiền thì nghĩa vụ của bên mua là thanh toán tiền; quyền của bên bán là xử phạt bên mua thanh toán chậm thì nghĩa vụ của bên mua là phải trả tiền phạt thanh toán chậm ….
Trong hợp đồng song vụ, khi các bên đã thỏa thuận thời hạn thực hiện nghĩa vụ thì mỗi bên phải thực hiện nghĩa vụ của mình khi đến hạn; không được hoãn thực hiện với lý do bên kia chưa thực hiện nghĩa vụ đối với mình. Cần thiết phải quy định rõ về việc là một bên vi phạm thì bên kia có được khiếu nại lý do đó để từ chối thực hiện nghĩa vụ hay không.
Hợp đồng đơn vụ là hợp đồng mà chỉ một bên có nghĩa vụ. Tuy nhiên, trong lĩnh vực kinh doanh thương mại, rất ít khi gặp loại hợp đồng này.
👉 Nguyên tắc thứ ba: Sử dụng đúng ngôn ngữ hợp đồng
Ngôn ngữ hợp đồng là ngôn ngữ có tính pháp lý nhưng lại được đọc, hiểu và thực hiện bởi những người không thuộc lĩnh vực pháp luật. Do đó, ngôn ngữ soạn thảo nên có tính dễ hiểu, đơn nghĩa, ngắn gọn và chính xác.
Tuyệt đối không sử dụng các từ, ngữ và câu chữ có tính biểu cảm, ẩn dụ hoặc sử dụng lối văn nói, sử dụng tiếng lóng, tiếng địa phương, thổ ngữ hoặc pha lẫn tiếng nước ngoài vào Tiếng Việt; không sử dụng ký tự đặc biệt, các từ thừa hoặc không rõ nghĩa; không thay đổi các từ ngữ căn bản một cách chủ quan vì dễ gây sai lệch thông tin, hiểu nhầm nội dung.
👉 Nguyên tắc thứ tư: Không có gì là tuyệt đối
Kể cả khi hợp đồng là một văn bản có giá trị pháp lý ràng buộc hai bên thì vẫn không có gì đảm bảo là mọi chuyện sẽ diễn biến theo đúng kịch bản mà hai bên đã vạch ra. Thực tế luôn thay đổi và điều này sẽ thường xuyên hơn nếu hợp đồng có thời gian thực hiện trong thời gian dài.
Do đó, bên cạnh việc soạn thảo những quyền và nghĩa vụ có tính cố định cho mỗi bên, chúng ta cũng cần bổ sung thêm những điều khoản có tính dự liệu, dự phòng trường hợp thay đổi. Nói cách khác, chúng ta nên soạn thảo sẵn những nguyên tắc xử sự cho hai bên khi có sự thay đổi hoàn cảnh thực hiện hợp đồng.
👉 Nguyên tắc thứ năm: Xây dựng kịch bản cho các bên
Bạn cần có khả năng hình dung và vẽ ra một cách mạch lạc toàn bộ diễn biến của hai bên, từ khi bắt đầu cho đến khi kết thúc. Bạn cần tính tới phương án tốt nhất, nhưng cũng tính tới cả phương án xấu nhất trong quan hệ hợp đồng giữa hai bên (một trong hai bên chết, phá sản … hoặc một trong hai bên tự ý chấm dứt hợp đồng..).