Giáo trình

1.2.5. Soạn phụ lục của hợp đồng

Hợp đồng có thể có phụ lục kèm theo để quy định chi tiết một số điều khoản của hợp đồng. Phụ lục hợp đồng có hiệu lực như hợp đồng. Nội dung của phụ lục hợp đồng không được trái với nội dung của hợp đồng. Khi soạn thảo phụ lục hợp đồng cần thực hiện như khi soạn thảo hợp đồng.

Trường hợp phụ lục hợp đồng có điều khoản trái với nội dung của điều khoản trong hợp đồng thì điều khoản này không có hiệu lực, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Trường hợp các bên chấp nhận phụ lục hợp đồng có điều khoản trái với điều khoản trong hợp đồng thì coi như điều khoản đó trong hợp đồng đã được sửa đổi.

Bản chất của phụ lục chính là những điểu khoản hợp đồng, được bổ sung sau khi đã soạn thảo hợp đồng xong. Nội dung là điều khoản phụ để giải thích cho các điều khoản thỏa thuận

* Các loại phụ lục hợp đồng thường gặp


- Phụ lục gia hạn hợp đồng để gia hạn thêm thời gian thực hiện hợp đồng.

- Phụ lục điều chỉnh hợp đồng để điều chỉnh một điều khoản hợp đồng.

Ví dụ: điều chỉnh giá trị hợp đồng, thay đổi chủ thể hợp đồng,… 

- Phụ lục bổ sung hợp đồng là bổ sung thêm các điều khoản phát sinh sau này.

Ví dụ: hợp đồng vận chuyển không lường trước được thời gian vận chuyển bị tắc đường khiến không giao đúng hạn. Khi phát sinh, các bên thỏa thuận được cách giải quyết và quyết định bổ sung vào hợp đồng để thực hiện những lần sau.

- Các phụ lục khác: Phụ lục hợp đồng tăng lương, phụ lục hợp đồng bổ sung hàng hóa,….