Giáo trình

2.1.2. Huy động vốn trong hợp tác xã

HTX được quyền huy động vốn theo quy định của pháp luật để phục vụ sản xuất kinh doanh và tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn huy động đó. HTX có nghĩa vụ hoàn trả đầy đủ cho chủ nợ theo cam kết trong hợp đồng vay.

Theo quy định tại khoản 2, điều 4 Thông tư 83, HTX nên ưu tiên huy động vốn từ thành viên để đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh trên cơ sở thỏa thuận với thành viên theo trình tự, thủ tục như đối với trường hợp huy động vốn từ tổ chức, cá nhân trong nước. Trường hợp huy động vốn từ thành viên vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu thì HTX được huy động vốn từ các nguồn khác theo quy định của pháp luật và điều lệ hợp tác xã.

Phương thức huy động vốn: Huy động vốn từ các thành viên, HTX thành viên; vay vốn của các tổ chức tín dụng, các tổ chức tài chính khác, các cá nhân, tổ chức ngoài HTX và các hình thức huy động vốn khác theo quy định của pháp luật, cụ thể như sau:

a) Huy động từ nội bộ HTX

Vốn hoạt động ban đầu của HTX chủ yếu hình thành từ việc góp vốn của các thành viên. Khi kết thúc một chu kỳ kinh doanh, dựa trên kết quả hoạt động kinh doanh và quyết định phân phối lợi nhuận của Đại hội thành viên, HTX có thể trích một phần lợi nhuận bổ sung vào vốn hoạt động của hợp tác xã. Đây là nguồn vốn tích lũy từ lợi nhuận trong quá trình hoạt động của HTX.


Vốn góp ban đầu: Khi HTX mới được thành lập thì vốn chủ sở hữu do các thành viên đóng góp và hình thành vốn điều lệ. Ưu điểm cơ bản của nguồn vốn này là chi phí huy động vốn thấp, vốn thuộc sở hữu của HTX nên HTX có toàn quyền chủ động quyết định sử dụng chúng mà không gặp phải bất cứ một sự cản trở nào. Mặt khác, nguồn vốn huy động từ nội bộ thường có chi phí cơ hội thấp do đó an toàn hơn trong quá trình đầu tư.

Nguồn vốn từ lợi nhuận không chia: Đây là nguồn vốn tích lũy từ lợi nhuận không chia, HTX được sử dụng để tái đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh.

b) Huy động từ bên ngoài HTX


Trong quá trình hoạt động, HTX có thể vay thêm vốn từ các tổ chức tín dụng như:

- Ngân hàng (hợp đồng vay vốn, thẻ tín dụng, thấu chi thẻ ATM...);

- Quỹ đầu tư phát triển cấp tỉnh;

- Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX (Liên minh HTX Việt Nam) và 55 Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX trực thuộc Liên minh HTX cấp tỉnh do ngân sách Nhà nước cấp vốn điều lệ để hoạt động;

- Công ty tài chính;

- Vay cá nhân, đối tác... thông qua hợp đồng vay vốn.


Lưu ý rằng: Thủ tục vay vốn được quy định cụ thể bởi từng tổ chức cung cấp tín dụng.

Ngoài ra, các khoản nợ chưa thanh toán cho nhà cung cấp khi HTX mua nguyên vật liệu, công cụ dụng cụ hay máy móc thiết bị... cũng được coi là một nguồn vốn hoạt động huy động từ bên ngoài của hợp tác xã.

Trong một số trường hợp đặc biệt, một số HTX có thể nhận được các khoản công trợ, tài trợ khác dưới dạng hiện kim hoặc hiện vật, từ nhà nước hoặc các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Những khoản thu nhập bất thường này cũng được ghi tăng vốn hoạt động của hợp tác xã.

Khi huy động vốn bằng các nguồn này, HTX lưu ý những đặc điểm sau:

- Phải trả lãi cho các khoản tiền đã vay;

- Mức lãi suất trả cho các khoản nợ vay thường theo một mức ổn định được thoả thuận khi vay. Trường hợp vay cá nhân, doanh nghiệp, đối tác thì lãi suất không được vượt quá 1,5 lần lãi suất ngân hàng cùng thời điểm đó;

- HTX phải hoàn trả lại toàn bộ vốn vay cho các chủ nợ vào một thời điểm nào đó trong tương lai;

- HTX có thể phải thế chấp bằng các loại tài sản như hàng hoá các loại, tài sản cố định, quyền sở hữu tài sản hay các biện pháp bảo lãnh cho vay.

Do đó để đảm bảo an toàn cho HTX trong quá trình hoạt động, các HTX cần cân nhắc thận trọng khi quyết định vay vốn.