Giáo trình
2.2.3. Hoạch định chiến lược marketing
Có một số chiến lược marketing được áp dụng trong kinh doanh nông nghiệp mà HTX có thể cân nhắc để lựa chọn:
* Chiến lược khác biệt hóa sản phẩm:
Thứ nhất, chiến lược “sản phẩm tốt hơn”, có nghĩa là sản phẩm được cải tiến chất lượng, kết cấu, kiểu dáng tạo ra những lợi ích mới của sản phẩm (ví dụ rau an toàn, rau sạch), hoặc là sản phẩm được phân loại và chỉ đưa ra thị trường những sản phẩm được người mua đánh giá là chất lượng tốt.
Thứ hai, chiến lược “sản phẩm mới hơn”, có nghĩa là sản phẩm được tạo ra trên cơ sở các giải pháp kỹ thuật, qui trình công nghệ mà trước đây chưa có (ví dụ sản xuất theo qui trình VietGAP, Global GAP, BMP).
Thứ ba, chiến lược “phục vụ nhanh hơn”, có nghĩa là giảm bớt thời gian thực hiện hay giao hàng liên quan đến việc sử dụng hay mua một sản phẩm hay dịch vụ.
Thứ tư, chiến lược “giá rẻ hơn”, có nghĩa là người mua có thể mua được một sản phẩm tương tự với số tiền ít hơn.
* Chiến lược sản phẩm mới:
Sản phẩm mới là vấn đề sống còn trong sự phát triển và cạnh tranh trên thị trường. Những tổng kết trên cho thấy vấn đề sản phẩm mới là vấn đề mạo hiểm, chứa đựng nhiều rủi ro nhưng đó cũng là con đường duy nhất để HTX thành công và đứng vững trên thị trường.
Dựa vào những phân tích ở các bước trên, căn cứ vào chiến lược kinh doanh đã được chấp nhận, HTX cần xây dựng và lựa chọn một chiến lược marketing thích hợp nhất để định hướng cho toàn bộ hoạt động marketing của mình.
Chiến lược marketing được xây dựng phải bao hàm các nội dung:
- Mục tiêu chiến lược marketing.
- Định dạng marketing - mix (marketing hỗn hợp 4P hay 7P).
- Các chiến lược marketing cạnh tranh của HTX.
- Ngân sách marketing và phân bổ ngân sách cho các hoạt động marketing.