Giáo trình
4.1. Lựa chọn tiêu chuẩn chứng nhận để áp dụng
Việc áp dụng một tiêu chuẩn chứng nhận trong sản xuất nông lâm thủy sản của HTX nông nghiệp có thể xảy ra trong các trường hợp sau:
- Theo yêu cầu của đối tác (doanh nghiệp, HTX khác, người thu gom, đại lý,...) liên kết bao tiêu sản phẩm của HTX. Trong trường hợp đối tác cần sản phẩm phải đáp ứng một tiêu chuẩn nhất định thì thường yêu cầu HTX/hộ thành viên phải sản xuất theo tiêu chuẩn do doanh nghiệp/đối tác bao tiêu sản phẩm đưa ra. Ví dụ, doanh nghiệp có thể yêu cầu HTX sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP trong sản xuất lúa; áp dụng tiêu chuẩn ASC trong nuôi tôm; áp dụng tiêu chuẩn UTZ trong canh tác cà phê,…
- Theo yêu cầu của thành viên HTX hoặc của HĐQT HTX. Một số thành viên của HTX có thể yêu cầu HTX áp dụng sản xuất theo một tiêu chuẩn chất lượng nào đó. Tương tự, HĐQT HTX có thể đề nghị các thành viên áp dụng sản xuất theo một tiêu chuẩn chất lượng nào đó.
Việc lựa chọn áp dụng một tiêu chuẩn chứng nhận nào đó trong sản xuất của HTX cần xem xét một số yếu tố sau:
+ Mức độ phức tạp của tiêu chuẩn sản xuất và khả năng áp dụng vào thực tế sản xuất của thành viên. Các tiêu chuẩn chất lượng nhìn chung phức tạp hơn so với quy trình sản xuất thông thường mà hộ nông dân đang áp dụng do:
* Các tiêu chuẩn chất lượng không chỉ yêu cầu các thực hành để đảm bảo chất lượng sản phẩm (cả về an toàn thực phẩm) mà còn nhiều thực hành để đảm về môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ sức khỏe người sản xuất và cộng đồng, bảo vệ quyền trẻ em, phụ nữ và người yếu thế;
* Một số thực hành sản xuất bổ sung mà trước đây hộ nông dân chưa áp dụng. Ví dụ, hộ nông dân phải ghi nhật ký sản xuất; có tủ đựng thuốc, dụng cụ y tế; có kho/thùng chứa thuốc bảo vệ thực vật; trong tiêu chuẩn SRP cho lúa thì người sản xuất còn được yêu cầu phải đo mực nước trên đồng ruộng.
* Điều kiện tự nhiên, điều kiện đồng ruộng có khả năng áp dụng tiêu chuẩn không? Một số tiêu chuẩn chất lượng đòi hỏi đồng ruộng phải đáp ứng điều kiện nhất định để đảm bảo sản phẩm sản xuất ra đáp ứng đúng tiêu chuẩn mong muốn và chi phí sản xuất có thể được bù đắp bởi giá bán sản phẩm. Ví dụ, sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ thì đồng ruộng phải đảm bảo có thể ngăn được ảnh hưởng của thuốc bảo vệ thực vật vô cơ từ bên ngoài do gió, nguồn nước; cánh đồng có thuận lợi cho việc kiểm soát chất lượng nguồn nước tưới không?
* Mức độ rủi ro trong sản xuất của việc áp dụng tiêu chuẩn sản xuất đó. Việc áp dụng một số tiêu chuẩn có thể mang lại rủi ro cao hơn cho người sản xuất. Do vây, phương án dự phòng khi có xử lý rủi ro có đảm bảo cho sản xuất không?
Ví dụ: trong trường hợp dịch bệnh, các loại thuốc bảo vệ thực vật được khuyến cáo nhưng không mang lại hiệu quả chống dịch bệnh thì xử lý thế nào? Có sử dụng loại thuốc bảo vệ thực vật khác không? Và nếu sử dụng thì ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm và doanh nghiệp có thu mua sản phẩm nữa không?
+ Hiệu quả kinh tế của việc sản xuất theo tiêu chuẩn chứng nhận:
HTX cần phải tính toán, dự báo được nếu sản xuất theo một tiêu chuẩn chứng nhận nào đó thì năng suất cây trồng, vật nuôi sẽ như thế nào?
Chất lượng sản phẩm ra sao? Sản phẩm sẽ được tiêu thụ ở đâu, tiêu thụ như thế nào?
Giá bán sản phẩm thế nào?
Chi phí sản xuất bao nhiêu?
Chi phí cho đánh giá và chứng nhận như thế nào?
Nguồn kinh phí nào để chi trả chi phí đánh giá và cấp giấy chứng chứng nhận đạt tiêu chuẩn?
Lợi nhuận trên một đơn vị sản xuất như thế nào?
Mức tăng thêm của lợi nhuận có bù đắp được chi phí và công lao động bỏ ra không?...
Hội đồng quản trị và Giám đốc HTX phải tìm hiểu (qua tham khảo ý kiến các chuyên gia, tham vấn cơ quan quản lý nhà nước, thông tin trên báo, đài, mạng internet,…) và/hoặc trao đổi với doanh nghiệp, đơn vị đánh giá và cấp chứng nhận tiêu chuẩn để trả lời được các vấn đề nêu trên. Một cách nhanh chóng là cán bộ HTX thăm quan, trao đổi với một HTX/ tổ hợp tác khác đã sản xuất theo tiêu chuẩn chứng nhận mà HTX mong muốn áp dụng.
- Cán bộ HTX cần phải xem xét và trả lời được các câu hỏi:
+ Khoảng cách thực hành hiện tại của hộ thành viên so với thực hành sản xuất yêu cầu trong tiêu chuẩn chứng nhận dự kiến áp dụng có nhiều không? Với sự hướng dẫn, tập huấn và giám sát thì các hộ thành viên có thực hiện được không? Có tuân thủ đúng quy trình sản xuất không?
+ Rủi ro trong áp dụng tiêu chuẩn chứng nhận có lớn không? Những biện pháp áp dụng có giảm thiểu rủi ro một cách hiệu quả không?
+ Lợi ích của việc áp dụng một tiêu chuẩn chứng nhận có đủ lớn để thuyết phục thành viên HTX áp dụng không?
Trên cơ sở tìm hiểu các vấn đề trên, cán bộ HTX sẽ trao đổi lại với thành viên HTX về lợi ích, quy trình thực hành áp dụng, các điều kiện bắt buộc áp dụng để thành viên HTX thảo luận và thống nhất. Nếu thành viên HTX đồng ý chủ trương sản xuất theo một tiêu chuẩn chứng nhận nào đó thì cán bộ HTX cần triển khai thực hiện:
+ Đề nghị các thành viên đăng ký tham gia áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn chứng nhận và quy mô áp dụng (diện tích với cây trồng, nuôi trồng thủy sản; số con/sản lượng với chăn nuôi);
- Xây dựng phương án sản xuất theo tiêu chuẩn chứng nhận.
HTX chỉ nên sản xuất theo tiêu chuẩn chứng nhận khi đã được đảm bảo sản phẩm đầu ra có thị trường tiêu thụ.